Với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đẹp, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử,... khu du lịch Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành nơi tham quan, nghỉ mát, nghỉ dưỡng nổi tiếng trong cả nước.
Những năm gần đây, khách đến Tam Đảo ngày càng tăng. Tuy nhiên, số ngày khách lưu trú rất thấp; số khách lưu trú qua đêm chiếm chưa đến 30%. Nhiều đoàn khách đến tham quan đã đem theo đồ ăn, thức uống để sinh hoạt và quay về trong ngày. Những đoàn khách này không thuê phòng nghỉ, không đặt ăn ở nhà hàng, khách sạn.
Do số người lưu trú qua đêm thấp nên doanh thu dịch vụ giảm, hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch ở Tam Đảo đạt thấp.
Ông Đỗ Văn Vỹ, Trưởng Ban quản lý khu du lịch Tam Đảo cho biết, tồn tại tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn thiếu và không đồng bộ. Các cơ sở lưu trú tăng nhanh nhưng các công trình công cộng lại chưa phát triển tương ứng.
Hiện trên địa bàn chưa có khu vui chơi giải trí, chưa tạo ra các tuyến, điểm tham quan hấp dẫn. Các di tích văn hóa, di tích lịch sử, hệ thống đền, miếu, chưa phát huy được tiềm năng.
Khách du lịch đến Tam Đảo thường có nhu cầu đi chợ tham quan và mua sắm. Do chợ chưa được xây dựng nên nhu cầu này chưa được đáp ứng. Hiện nay, chợ chưa có địa điểm tập trung, các lều quán bán hàng đều làm tạm thời, rất lộn xộn.
Hệ thống đường dạo trong rừng đã có từ trước do người Pháp mở, hiện vẫn còn dấu tích, gồm 4 tuyến: tuyến đồi Toàn Quyền-Mỏ quạ, dài trên 3km; tuyến xanhtuya ngang đỉnh núi đi Thái Nguyên, dài gần 5km; tuyến Lục Lăng-Yên Ngựa đi Mặt dốc Thái Nguyên dài trên 3km và tuyến Đồi Toàn quyền đi đền Thạch Kiếm, dài khoảng 4,5km, vẫn chưa được khôi phục, xây dựng lại.
Trên địa bàn có điểm di tích lịch sử là Khu nhà rông, nơi Bác Hồ đã đến làm việc. Ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử như hầm" tác chiến thất" đặt Sở chỉ huy của Đại Tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh trong chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950-1951; Khu đồn binh Nhật, ghi đậm dấu ấn chiếm công của các chiến sỹ cách mạng và nhân dân Tam Đảo trong cuộc kháng chiếm chống phátxít Nhật.
Tuy nhiên, hiện nay, các di tích đã xuống cấp, chưa được tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, chưa được xếp hạng, chưa có biện pháp bảo vệ và phát huy tương xứng với giá trị sự kiện.
Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đang sưa tầm các tài liệu, hiện vật gắn với di tích và sự kiện lịch sử; tiến hành nghiên cứu, xác minh tư liệu hoá, lập hồ sơ khoa học cho các di tích để tiến tới đề nghị xếp hạng di tích; lập phương án bảo vệ, tu sửa và phát huy các giá trị cách mạng và kháng chiến như xây dựng tuor du lịch "Hoài niệm chiến trường xưa" làm tăng sức hấp dẫn, góp phần đa dạng các loại hình du lịch trên địa bàn./.
Nguồn : TTXVN