Với bờ biển dài trên 132km, tỉnh Bình Định sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: biển Quy Nhơn, Quy Hòa, Nhơn Lý - Cát Tiến, Hải Giang, Trung Lương, Vĩnh Hội, Đề Gi, Tam Quan… còn rất hoang sơ, cát trắng mịn thoai thoải, nước biển trong xanh và tràn ngập ánh nắng.
Xen kẽ với những bãi biển là ghềnh đá, vách núi, những đồi cát chạy dài ra tận biển và nhiều đảo nhỏ gần bờ. Bình Định còn nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh, nuôi dưỡng những vị anh hùng nhà văn hóa, nhà thơ mà tên tuổi gắn liền với sự phát triển của đất nước và những nét đẹp văn hóa của dân tộc; Là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa Chămpa vô giá với những dấu tích thành quách và những ngọn tháp rêu phong cổ kính, sừng sững trước sự khắc nghiệt của thời gian.
Với tiềm năng và đặc trưng lịch sử văn hóa có được, đồng thời xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, trong những năm qua Bình Định đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng giao thông để phục vụ xã hội và thúc đẩy du lịch phát triển. Các tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, Quy Nhơn - Nhơn Lý - Cát Tiến, đường Xuân Diệu dọc bờ biển Quy Nhơn… chạy qua hầu hết các bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Biển phát triển, từ đây hàng loạt dự án lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế như: Vĩnh Hội, Hải Giang…. đã hình thành; đầu tư chỉnh trang và mở rộng nhiều trục đường nội thành Quy Nhơn, tạo cho thành phố một diện mạo mới. Nâng cấp ga hàng không Phù Cát, tăng tần suất chuyến bay, đưa vào hoạt động đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn, Hồ Chí Minh - Quy Nhơn. Trùng tu và xây dựng cơ sở dịch vụ, đường giao thông vào các tháp Chăm; quy hoạch các làng nghề truyền thống; hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các lò võ nổi tiếng gắn với phát triển du lịch đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng cho du lịch của tỉnh.
Hệ thống cơ sở lưu trú, khu mua sắm, các dịch vụ thiết yếu phục vụ cho du lịch: ngân hàng, vận tải du lịch, khu, điểm du lịch… ở Bình Định được đầu tư khá tốt cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo gắn với thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh được xây dựng như: trượt cát, lặn ngắm san hô, tham quan tìm hiểu các tháp Chăm; thăm và học võ Bình Định tại các làng võ; thưởng thức chương trình ẩm thực Bình Định; các lễ hội đặc trưng của Bình Định: Lễ hội Đống Đa, Festival quốc tế võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức ngày một quy mô và đặc sắc hơn… tạo được sự thích thú, ấn tượng thu hút ngày càng đông du khách đến với Bình Định. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Bình Định được tổ chức tốt và thường xuyên hơn; nhiều chương trình xúc tiến ở các thị trường trọng điểm khách du lịch của Bình Định như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên được đầu tư quy mô, hiệu quả… đã góp phần tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bình Định đến bạn bè gần xa.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đồng thời xác định rõ tài nguyên du lịch biển và văn hóa lịch sử sẽ là yếu tố cơ bản để hình thành và tạo ra sản phẩm đặc trưng của du lịch Bình Định, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung kêu gọi và tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch biển trọng điểm như: khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hội, khu du lịch Hải Giang, Đảo nhân tạo Mũi Tấn, Hòn Ngọc Việt Nam, các khu điểm du lịch dọc tuyến biển Quy Nhơn – Sông Cầu, Khu vui chơi giải trí Hồ Phú Hòa … tạo nên những “điểm nhấn”, sức hút mới cho du lịch biển tỉnh nhà; tiếp tục đầu tư chỉnh trang thành phố Quy Nhơn theo hướng đô thị du lịch biển; mở rộng và nâng cấp Bảo tàng Quang Trung lên cấp quốc gia; hoàn thành việc trùng tu, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các di tích lịch sử văn hóa quan trọng nhất là hệ thống tháp Chăm; mở rộng đường giao thông đến các điểm du lịch, làng nghề, làng võ, danh lam thắng cảnh…; đầu tư xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương, các lễ hội, trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống và nghệ thuật ẩm thực độc đáo để phục vụ khách du lịch; nâng quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống…; đẩy mạnh liên kết với các thị trường du lịch nội địa trọng điểm của tỉnh, nam Lào, đông Bắc Thái Lan…; phối hợp với các tỉnh trong khu vực hình thành các tour du lịch liên kết vùng nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh. Tiếp tục đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trên các lĩnh vực để quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người và đặc trưng văn hóa Bình Định đến đông đảo du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với những lợi thế có được về tài nguyên, sự quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh và một định hướng phát triển rõ ràng, khả thi du lịch Bình Định đang đứng trước thuận lợi và cơ hội lớn vươn lên thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian không xa.
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 1.065 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 686 km; là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam. |
Nguồn : vccinews