Chiều 8/7, hội nghị giới thiệu xúc tiến du lịch Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Tổng cục du lịch, Sở VHTTDL Bình Dương…cùng các chuyên gia.
Du lịch sông nước tại Bình Dương.
Tại buổi xúc tiến du lịch này, Sở VHTTDL Bình Dương cho biết, theo quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, du lịch của tỉnh sẽ phát triển theo ba không gian. Cụ thể, không gian phía Nam, gồm khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An và một phần thị xã Bến Cát.
Bình Dương có tài nguyên du lịch tương đối đa dạng, với hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé cũng như các kênh rạch tạo cho tỉnh cảnh quan thiên nhiên sông nước đẹp với những vườn cây trái xanh tươi, thích hợp với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Tại đây sẽ có các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, tham quan di tích lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch thể thao… Tỉnh tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa.
Không gian phía Đông với khu vực dọc theo lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé thuộc thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo được quy hoạch với các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch thể thao cao cấp với các điểm nhấn như Công viên văn hóa nghỉ dưỡng Mắt Xanh, vườn bưởi Bạch Đằng…
Với địa thế thuận lợi là thành phố Thủ Dầu Một chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km, cách thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) khoảng 40km…, Bình Dương phát huy thế mạnh thu hút du khách bởi các chuyến du lịch ngắn ngày, cuối tuần bằng đường bộ hoặc đường thủy đến Bình Dương để nghỉ ngơi, thư giãn cùng gia đình, đồng nghiệp, bạn bè.
Bên cạnh đó Bình Dương còn có 58 di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, bao gồm 12 di tích cấp quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh, các làng nghề thủ công truyền thống như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan… và 9 khu, điểm du lịch.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Dương cho biết, với điều kiện hiện có, Bình Dương đang định hướng phát triển các sản phẩm sông nước làm sản phẩm du lịch chủ đạo.
“Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng các bến đỗ du lịch dọc các con sông lớn chạy qua địa bàn tỉnh. Trong bán kính 10km từ bến đỗ sẽ phát triển đồng bộ các khu du lịch sinh thái để tạo sản phẩm hấp dẫn níu chân du khách ở lại với Bình Dương. Ngoài ra còn có du lịch tâm linh với văn hóa lễ hội như lễ hội chùa Bà, danh thắng văn hóa lịch sử như đình, chùa, nhà cổ... mang dấu ấn lịch sử trong phát triển văn hóa du lịch Bình Dương”, ông Phong nói.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist cho hay: “Khách du lịch phía Bắc mới chỉ biết tới Bình Dương như điểm đến trong ngày. Trong khi đó, Bình Dương có thành phố thông minh đi đầu trong cả nước. Đây có thể là đòn bẩy giúp Bình Dương tận dụng tạo lợi thế so sánh với các tỉnh khác, đưa thành phố thông minh trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt đi cùng các lợi thế về các sản phẩm nghỉ dưỡng, văn hóa hiện có. Lợi thế cần phải cụ thể về các sản phẩm, ví dụ như Lái Thiêu, các sông hồ nổi tiếng, xây dựng, trải nghiệm toilet thông minh”, ông Phùng Quang Thắng nói.