TTO - Những ngày nắng mật quyện cùng không khí se lạnh cuối năm là thời điểm đẹp nhất trong năm ở Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Một lần đi qua hành trình này, đất Tây Nguyên nhất định sẽ không làm bạn thất vọng
Nếu vừa muốn nghỉ ngơi nhẹ nhàng giữa lòng thiên nhiên kết hợp với trekking ngắn ngày qua nhiều vùng địa hình ở Tây Nguyên, chuyến Phi Liêng 3 ngày 2 đêm là lựa chọn rất tuyệt.
Hồ Mông rộng lớn, nắng vàng và thông xanh
Nhóm mình gói gọn trong 10 người và chọn cuối tháng 12 - thời điểm thời tiết đẹp nhất để trực chỉ Phi Liêng. Từ sân bay Liên Khương, mất khoảng 100km và hơn một tiếng đi xe để đến được xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Nếu đi xe khách từ Sài Gòn, bạn có thể liên hệ Meerkat Travel, địa chỉ có xe đi thẳng đến Phi Liêng và dẫn tour ở khu vực này.
Homestay (thực chất là một căn nhà gỗ nhỏ) lọt thỏm trong bạt ngàn rẫy cà phê và trà đón bạn bằng buổi sáng ngập tràn sương mù. Nhiệt độ mùa đông chỉ khoảng trên dưới 10 độ C.
Từ rẫy cà phê, nhóm cuốc bộ (hoặc đạp xe) xuyên qua làng của người đồng bào tầm 10km để đến hồ Mông. Đường đi băng qua những rẫy cà phê đương thu hoạch, hoa và trái cà phê thay nhau nhấn nhá sắc trắng - đỏ cả một vùng.
Bữa tối với gà nướng, thịt nướng, cá bắt dưới hồ và rau rừng sẽ nạp thêm năng lượng cho ngày thứ hai tương đối mệt. Đêm đến, đừng quên tán gẫu quanh bếp lửa và một trời sao lấp ló sau tán thông.
Đêm ở Phi Liêng rất rét, có thể xuống dưới 10 độ C, sương mù dày và cực kỳ ẩm ướt. Hãy đảm bảo bạn có sẵn túi ngủ và không để chân bị lạnh. Nhưng bù lại, thanh âm trong trẻo của buổi sáng hồ Mông sẽ làm bạn xao xuyến bởi từng cụm sương còn lảng bảng trên mặt nước, lững thững tan khi nắng chiếu rọi vào. Sương đọng trên cành cây, kẽ lá cũng dễ thương làm sao.
Hồ Mông nằm ngoài rìa khu vực sống của dân cư trong khu vực, là ranh giới phân chia "địa bàn" của dân bản địa và rừng già. Thỉnh thoảng ở đây sẽ có nai rừng và nhiều động vật hoang dã khác đến kiếm ăn
Chèo kayak vượt hồ, một đồi thông nhỏ nhô ra là điểm cắm trại của chúng tôi
Khi nắng dịu, hãy tận hưởng buổi chiều tuyệt vời chèo kayak hoặc sup quanh hồ Mông.
Ấp bàn tay lạnh cóng quanh ly trà tươi hái ngoài rẫy, chia nhau từng ngụm, quây quần quanh bếp lửa trước nhà, đợi ly cà phê đang nhiễu chậm rãi dưới phin, cảm giác mới tuyệt làm sao
Thác Bảy Tầng vẫy gọi
Điểm nhấn của ngày thứ 2 là thác Phi Liêng - con thác hùng vĩ như sống lưng của dải đất Tây Nguyên, ngày đêm rầm rì nuôi dưỡng sự kỳ bí của vùng đất này.
Từ hồ Mông, nhóm băng xuyên qua làng của người Mông, trữ thêm chút đồ ăn và nước rồi men hướng rừng tiến thẳng. Thác Bảy Tầng, theo cách gọi của người địa phương, cách làng khoảng 10km.
Dọc đường đi bạn có thể hái lá bép để ăn cầm bụng hoặc để chuẩn bị cho bữa tối. Lá bép mọc đầy rẫy hai bên đường, vị giòn giòn, béo nhẹ là cứu tinh của rất nhiều người đi rừng, là món ăn kết đôi hoàn hảo cùng mì gói.
Từ con đường rừng thoai thoải, một ngã 3 nhỏ hiện ra sẽ là đích cuối dẫn đến thác. Từ đây, đường sẽ dốc hơn gấp bội, đòi hỏi bạn phải bò, trườn, đu bám và chèo chống hết mức để xuống.
Từ đầu con dốc, có thể nghe tiếng thác đổ ầm ầm, tiếng vọng âm vang khắp thung lũng. Con dốc thẳng đứng kéo dài khoảng 2km và "chốt hạ" bằng... trùm cuối là một con dốc nhỏ khác để chạm thác. Con dốc này dựng đứng gần 90 độ nên buộc phải đu dây xuống.
Phía dưới kia, thác Bảy Tầng cao hút mắt đang tuôn hùng vĩ, từng cuộn hơi nước tỏa ra trắng ngầu. Cuối cùng cũng đến nơi, thật thỏa mãn.
Con thác nơi chúng tôi cắm trại là tầng thứ 4, tầng cao nhất (hơn 100m) nhưng lại không phải là tầng hiểm trở nhất. Nếu muốn khám phá, bạn có thể men theo đường vòng sang tầng thứ 3 phía trên hoặc tầng thứ 5 theo hướng xuôi dòng. Tầng thứ 5 nhiều đá, khó chinh phục và buộc bạn phải trang bị nhiều thiết bị, kỹ năng sinh tồn để đến được đó. Tầng 4 là nơi lý tưởng nhất để cắm trại vì cảnh đẹp hoang sơ, bờ đá bằng phẳng.
Dòng nước lạnh căm căm như nước đá đang ngờ bạn ngâm mình thư giãn. Dù là buổi trưa, nắng đang tỏa xuống gay gắt nhưng nhiệt độ nước có thể khiến bạn bị sốc vì lạnh
Đá ngầm ở chân thác và bên rìa vô cùng trơn, hãy đảm bảo mang vớ khi tắm để không gặp nguy hiểm. Các bạn dẫn tour đã chu đáo pha nước gừng liên tục, ai cũng giành nhau uống vì quá lạnh
Lá ngón, dâu rừng và Phi Liêng sau lưng
Phin cà phê sáng hôm ấy ngon hơn thường ngày khi pha bằng nước suối và thưởng thức giữa rừng. Tia nắng đầu tiên rọi xuống thung lũng, chiếu xuyên qua dòng thác làm con thác ánh lên, thiếu điều muốn dựng nhà ở luôn mà bầu bạn với Phi Liêng.
Sau bữa sáng với cháo gà, cà phê, nhóm mình nhổ trại, đi ngược lại con đường cũ để về homestay.
Để đỡ mệt, trên đường đi bạn có thể đi chậm để tìm cây sâm cau, ngọc cẩu hoặc nhặt nhạnh hạt dẻ cho vui. Một cây gỗ dỗi (theo cách gọi của người đi rừng) chắn ngang đường mời bạn xuống nghỉ. Gốc cây gỗ dỗi này đã bị đốn ngang cách đây hơn chục năm, nhưng nó không chết mà vẫn sẽ đứng đó chục năm, thậm chí trăm năm nữa.
Phải thật tinh mắt để phân biệt lá cây dại và lá ngón ở đoạn dọc rừng thông vì khu vực này lá ngón rất nhiều. Dâu rừng hai bên đường cũng nhiều, có vị chua nhẹ và hơi chát. Khi bắt gặp rẫy cà phê, bạn biết đã kết thúc hành trình và dùng bữa cơm nhẹ ở homestay để chia tay.
Thác Bảy Tầng đã ở sau lưng và bầu trời sao đầy đến ngợp mắt sẽ còn trong giấc ngủ của mọi người nhiều hôm sau nữa.
Trên thác Bảy Tầng
Phin cà phê như ngon hơn khi pha bằng nước suối và thưởng thức giữa rừng
Đổ dốc có cái cực của đổ dốc thì lên dốc cũng có cái cực của lên dốc, kiểu nào cũng phải bò lê bò lết. Kinh nghiệm là phải đi sớm khi nắng chưa lên