Khu du lịch Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - khu nghỉ mát lý tưởng ở khu vực phía Bắc, hiện đang phát triển chưa xứng với vị trí và tiềm năng vốn có của mình.
Tam Đảo là khu vực thuộc dãy núi dài khoảng 50km có độ cao trung bình khoảng 900m với 3 đỉnh là Thiên Nhị (1.375m), Thạch Bàn(1.388m) và Phù Nghĩa (1.400m), nằm cách Hà Nội khoảng 80km, cách thành phố Vĩnh Yên gần 20km.
Từ lâu, thị trấn Tam Đảo đã nổi tiếng với nhiều cảnh quan đẹp, tiêu biểu là Thác Bạc, Cổng Trời, Bãi Đá, Am Gió Thang Mây...
Cùng với những cánh rừng bạt ngàn ẩn hiện trong mây, Tam Đảo có thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về quần xã sinh học và hệ sinh thái với 1.282 loài thực vật, trong đó có 42 loài đăc hữu và 64 loài quý hiếm như Hoàng thảo Tam Đảo, Hoa tiên; 163 loài động vật, trong đó có 39 loài đặc hữu và nhiều loài quý như gà tiền, gà lôi trắng, sóc bay...
Đây là những tài nguyên du lịch sinh thái có giá trị đặc biệt, có khả năng khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách thập phương.
Vùng đất Tam Đảo còn gắn liền với truyền thuyết về bà chúa Thượng Ngàn; về Hoàng tử Lang Liêu, người được vua Hùng truyền ngôi.
Bên cạnh đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn ngay sát dưới chân ngọn Thiên Nhị còn nhiều các di sản kiến trúc - văn hoá tâm linh mà tiêu biểu là chùa Tây Thiên, đền thờ Đức Thánh Trần (thế kỷ thứ XV), đền Tiên Mẫu, đền Tiên Kiều góp phần hấp dẫn du khách để họ chọn Tam Đảo là điểm đến trong các kỳ nghỉ.
Thế nhưng, khu du lịch Tam Đảo hiện nay (Tam Đảo 1) đã bị "biến dạng" bởi việc xây dựng các công trình chưa theo một quy hoạch du lịch có "tầm" để khai thác có hiệu quả những giá trị về khí hậu, cảnh quan, văn hoá và thể hiện được nội dung"sản phẩm du lịch đặc thù".
Có những lúc người dân ở khu vực Tam Đảo đã "tích cực" săn bắt một số loài côn trùng quý hiếm để bán cho khách du lịch và điều này đã ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của công tác bảo tồn sinh thái, đa dạng sinh học được xem là những tài nguyên du lịch có giá trị của Tam Đảo.
Hiện nay, hình thức tham gia của cộng đồng vào du lịch mới chỉ dừng lại phần lớn ở dịch vụ ăn uống và lưu trú với quy mô hạn chế. Trong khi nhiều dịch vụ khác như sản xuất và bán hàng lưu niệm; dịch vụ lưu trú tại nhà; hướng dẫn khách du lịch; cung cấp các sản phẩm văn hoá địa phương... thì cư dân Tam Đảo chưa phát huy được.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương để phát triển du lịch bền vững ở khu vực Tam Đảo cần xác định những không gian du lịch với những sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân tích có khoa học đặc điểm và sự phân bố tài nguyên du lịch; xem xét phát triển không gian du lịch "động", nơi cho phép tổ chức các loại hình du lịch như vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao... bổ sung cho những không gian du lịch" tĩnh".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Trung Lương cho rằng, huyện Tam Đảo cần tạo môi trường thuận lợi hơn để cộng đồng địa phương sống trong khu vực được tham gia tích cực hơn vào phát triển du lịch.
Việc chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch ở Tam Đảo sẽ làm giảm đáng kể sức ép của hoạt động mưu sinh trong cộng đồng đối với các giá trị cảnh quan, sinh thái và môi trường khu vực, đặc biệt là vườn quốc gia, góp phần tích cực phát triển du lịch bền vững ở khu vực này./.
(TTXVN/Vietnam+)