Ít ai ngờ rằng, ca trù, tưởng như xa lạ với nhiều người, nhưng giờ đã là một điểm đến thú vị của du lịch Thủ đô. Ca trù phố cổ đang dần trở thành một "đặc sản" du lịch, góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Hà Nội.
Một buổi biểu diễn của Giáo phường Ca trù Thăng Long
Cứ đều đặn một tuần ba buổi, những nghệ nhân của Giáo phường Ca trù Thăng Long lại bắt đầu những canh hát của mình tại của Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, một di tích nổi bật trong khu phố cổ Hà Nội. Giọng hát của ca nương, tiếng sênh phách và tiếng trầm đục của đàn đáy thông gian cổ kính của ngôi nhà khiến khán giả như được trở về với quá khứ.
Chị Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long cho biết, khán giả đến với các canh hát chủ yếu là khách du lịch, mặc dù không gian biểu diễn tại ngôi nhà số 87 Mã Mây khá chật, nhưng có những buổi biểu diễn, có đến 30-40 khán giả đến thưởng thức.
Vào thời điểm ca trù được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cách đây mấy năm, không ít khách nước ngoài đến Việt Nam tỏ ý muốn thưởng thức ca trù. Nhưng khi ấy, hầu hết các giáo phường, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội đều chỉ biểu diễn một năm đôi ba lần, chỉ có Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội và Giáo phường Ca trù Thăng Long hoạt động thường xuyên nhất. Nhiều nghệ nhân tâm huyết với ca trù không có địa điểm biểu diễn. Hết đi mượn địa điểm này đến mượn địa điểm khác. Đi thuê địa điểm biểu diễn thì không ai dám. Bởi sẽ lấy đâu ra nguồn thu để bù chi phí khi đại bộ phận khán giả trong nước vẫn chưa biết đến nghệ thuật ca trù.
Mãi tới dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tạo điều kiện với giá thuê mặt bằng hợp lý để Giáo phường Ca trù Thăng Long biểu diễn định kỳ mỗi tuần một lần tại đền Quán Đế - 28 Hàng Buồm (nay chuyển sang Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây). Khi ấy một ca quán theo đúng nghĩa được hình thành. Không lâu sau đó, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã tổ chức một địa điểm biểu diễn ca trù thứ hai, tại đình Kim Ngân - số 42 phố Hàng Bạc.
Nhớ lại những ngày đầu biểu diễn, chị Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thăng Long cho biết: "Đây là lần đầu tiên sau mấy thập kỷ ca trù trở lại biểu diễn định kỳ, có thu phí. Thời kỳ đầu nhiều hôm biểu diễn không có ai đến. Đào nương, kép đàn biểu diễn... cho nhau xem. Chúng tôi cũng rất nhiều lo lắng. Nhưng chúng tôi tin rằng một sản phẩm độc đáo, được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại rồi sẽ tìm được chỗ đứng. Bởi vậy, tôi động viên mọi thành viên của Giáo phường cố gắng khắc phục khó khăn".
Trải qua một thời gian khá dài, Giáo phường Ca trù Thăng Long phải bù lỗ cho những buổi biểu diễn của mình. Bởi mỗi canh hát như thế, Giáo phường phải huy động hơn 10 người biểu diễn, phục vụ với chi phí khá tốn kém. Rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện rồi những canh hát sẽ lại biến mất khỏi khu phố cổ khi các nghệ nhân không đủ sức "trụ" lại trước những thách thức về kinh tế. Nhưng dần dần, nhiều người đã nhận ra giá trị của ca trù, nhất là khách du lịch quốc tế nên họ đã tìm đến thưởng thức. Nhiều công ty du lịch trên địa bàn cũng nhanh chóng đưa ca trù vào tua tham quan phố cổ. Nhờ vậy, số lượng khách đến với các buổi biểu diễn tăng dần lên.
Hiện nay, một buổi biểu diễn của Giáo phường Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội kéo dài khoảng một tiếng. Ngoài phần thưởng thức nghệ thuật, khán giả còn được giới thiệu về nhạc cụ ca trù, thơ ca trù và các sinh hoạt văn hoá ca trù theo song ngữ Anh - Việt. Khán giả còn được giao lưu với các ca nương, kép đàn. Nhiều vị khách quốc tế nghe biểu diễn xong đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một nét sinh hoạt văn hoá, trước những kỹ thuật lấy hơi, nhả giọng, ngắt nhịp, những ngón đàn của các nghệ nhân.
Từ chỗ biểu diễn mỗi tuần một buổi mà không có khách xem, giờ cả hai đơn vị là Giáo phường Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đều đã tăng số buổi biểu diễn lên ba lần một tuần. Giáo phường Ca trù Thăng Long diễn vào các tối thứ ba, năm, bảy, còn Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội diễn vào các tối thứ tư, thứ sáu và chủ nhật. Biểu diễn ca trù cũng bước đầu có thu nhập nên các thành viên, nhất là các bạn trẻ của Giáo phường Ca trù Thăng Long và Câu lạc bộ ca trù cũng yên tâm hơn để gắn bó với nghệ thuật ca trù.
Để ca trù tồn tại một cách bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân cao tuổi, đào tạo nghệ nhân trẻ, tạo điều kiện để các nghệ nhân có điều kiện phát huy năng lực của mình. Đồng thời, cũng cần có biện pháp quảng bá để người dân Việt Nam quan tâm hơn đến ca trù, thay vì chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài như hiện nay.
(Theo chinhphu.vn)