Ngày 10/11, tất cả các điểm di tích ở thành phố Huế như Đại Nội, chùa Thiên Mụ, các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định đã mở cửa trở lại đón khách du lịch đến tham quan.
Trước đó, hàng ngàn khách du lịch, chủ yếu là khách quốc tế vẫn đến các di tích, thích thú với cảnh lội nước lũ, tham quan và ghi hình.
Đến sáng 10/11, mưa lũ vẫn chia cắt các tuyến tỉnh lộ từ thành phố Huế về trung tâm các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang.
Hàng ngàn nhà dân vẫn bị lũ bao vây, khiến cuộc sống đảo lộn, trong đó 1.150 hộ dân với 4.525 nhân khẩu di dời chưa trở về được nơi ở cũ.
Nước lũ còn làm sạt lở hơn 150km bờ sông chủ yếu trên sông Bồ, sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bù Lu. Lũ đã gây ảnh hưởng tới hơn 210 hộ dân và khoảng 5,1ha đất nông nghiệp cùng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng dọc ven sông.
Tại thành phố Huế, nước rút đến đâu, công tác vệ sinh môi trường được thực hiện ngay đến đó.
Công ty Môi trường và công trình đô thị Huế huy động trên 500 công nhân tổng dọn vệ sinh các tuyến đường Hùng Vương, Trần Cao Vân, Phan Đình Phùng, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh.
Công ty đã huy động tối đa các phương tiện với hơn 20 xe chuyên tưới nước, chở bùn, chở rác để thu dọn hàng ngàn tấn rác thải và bùn đất mỗi ngày nhằm tránh các dịch bệnh xảy ra sau lũ bởi lượng rác tồn đọng trong các khu dân cư sau mấy ngày lũ lụt rất lớn.
Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế đã huy động trên 200 đoàn viên từ các tổ chức đoàn cơ sở, như các đoàn trường thuộc Đại học Huế, đội phản ứng nhanh của thành đoàn, đoàn công an tỉnh, tham gia tổng vệ sinh tại các trường tiểu học thuộc khu vực khá trũng như Phú Lưu (phường Vĩ Dạ), Ngô Kha (phường Phú Hiệp) để các em học sinh nhanh chóng trở lại trường./.
Nguồn : TTXVN