Sau một năm rơi vào cảnh ảm đạm do thảm họa ô nhiễm từ
Formosa Hà Tĩnh, ngành du lịch Quảng Bình đã có những tín hiệu
vui về sự hồi sinh khi lượng khách đến địa phương này tăng mạnh trở
lại trong những tháng đầu năm, đặc biệt là dịp lễ 30-4 và 1-5.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, gần như tất cả khách
sạn lớn nhỏ tại TP Đồng Hới đều đã được du khách đặt kín
phòng trong dịp lễ này, khác xa với cảnh vắng vẻ và ế ẩm vào mùa lễ năm
trước.
Theo ghi nhận tại các bãi tắm ở Quảng Bình như Nhật Lệ, Bảo
Ninh, SunSpa resort..., lượng du khách cũng bắt đầu tăng trở lại, chủ
yếu là khách đến từ miền Bắc.
Tối nay (30-4) tại sân khấu nổi Ngũ hành trên sông Hàn chính thức
khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2017 với những màn trình
diễn pháo hoa đặc sắc của hai đội Việt Nam và Vương quốc Áo.
Bên cạnh đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, hoành tráng của dàn nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước.
Với chủ đề Hỏa, bầu trời Đà Nẵng trong đêm khai mạc DIFF 2017 sẽ
được thắp sáng với những màn trình diễn khinh khí cầu, dù lượn và pháo
hoa rực rỡ. Sân khấu trên mặt nước sông Hàn là sự kết hợp của những màn
trình diễn nghệ thuật đỉnh cao của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế,
cùng hệ thống âm thanh ánh sáng và hình ảnh 3D mapping hiện đại. Dọc bờ
sông Hàn theo chiều dài của sân khấu 22.000 chỗ ngồi là những mô hình
sân khấu nhỏ với những hoạt cảnh liên tục.
Tâm điểm của đêm khai mạc Hỏa là hai màn trình diễn pháo hoa của
đội chủ nhà Việt Nam và đội pháo hoa Vương quốc Áo. Màn trình diễn của
đội Việt Nam, với sự đầu tư thay đổi cả về công nghệ lẫn kỹ thuật trình
diễn trên nền nhạc của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh hứa hẹn sẽ đem tới nhiều bất
ngờ lớn.
Còn đội trưởng đội Áo đã hé lộ một màn pháo hoa đẹp như mơ trước
đêm Hỏa. “Chúng tôi muốn mời tất các vị khách của DIFF theo chúng tôi
đến với hành trình của những giấc mơ, khám phá những cảm xúc của bông
pháo và hơn hết là thưởng thức một bữa dạ tiệc champagne bằng mắt có một
không hai” - ông Lê Quý Dương, tổng đạo diễn chương trình, chia sẻ.
Theo ban tổ chức, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2017 bắt
đầu từ 30-4 và kéo dài tới 24-6 với sự tham dự của 8 đội thi Ý, Áo,
Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc, Thụy Sĩ và đội chủ nhà VN. Với chủ đề Tỏa
sáng Ngũ Hành Sơn, lễ hội bao gồm chuỗi 5 đêm pháo hoa mang tên Hỏa -
Thổ - Kim - Thủy - Mộc được tổ chức vào thứ bảy hằng tuần, kết hợp với
các lễ hội đồng hành như lễ hội đường phố, không gian ẩm thực Ngũ hành.
Đà Nẵng dự kiến đón khoảng 2 triệu lượt khách tới lễ hội pháo hoa năm
nay.
Hạ Long: Giá phòng nhà nghỉ tăng mạnh
Không chỉ “cháy phòng” trong dịp lễ 30-4 và 1-5, giá thuê phòng
tại các khách sạn từ 3 sao trở lên tại khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long,
tỉnh Quảng Ninh) đã tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Nhiều công ty du lịch cho biết do thời điểm nghỉ lễ trùng với Tuần
du lịch Quảng Ninh cộng với việc điểm vui chơi lớn mới khai trương bên
bờ vịnh khiến lượng khách đến Hạ Long dịp lễ năm nay tăng đột biến, dẫn
đến hiện tượng “cháy phòng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, các khách sạn lớn tại Bãi Cháy gần như không còn phòng nghỉ.
Một lễ tân khách sạn B (3 sao) cho biết khách sạn đã hết phòng,
trừ trường hợp hủy tour mới có phòng trống. Trong khi các phòng nghỉ,
khách sạn 1-2 sao vẫn còn phòng, nhưng giá cao hơn nhiều lần so với giá
niêm yết.
Tại phố Vườn Đào, khách sạn HL niêm yết giá phòng 900.000
đồng/ngày, nhưng khi được hỏi giá phòng ngày 30-4, nhân viên tại đây cho
biết giá 2,5 triệu đồng/ngày, sau đó sẽ giảm xuống còn 1,5-2 triệu
đồng.
Vũng Tàu: kiểm tra, ngăn “chặt chém” du khách
Theo quan sát của Tuổi Trẻ vào chiều 29-4, lượng du khách đến TP
Vũng Tàu chưa đông và không có dấu hiệu quá tải, thiếu phòng nghỉ. Ban
quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu dự báo trong đêm 29 và rạng sáng
30-4, du khách mới đổ dồn về Vũng Tàu nhiều hơn. Tuy nhiên, giá cả của
phòng nghỉ khá cao.
Trong vai du khách hỏi thăm phòng nghỉ ở khu vực bãi Sau vào chiều
29-4, chúng tôi được ra giá phòng nghỉ từ 900.000 - 1,2 triệu
đồng/phòng đôi, nhưng sẽ tăng lên 1,7 triệu đồng/phòng trong ngày 30-4.
Theo bà Trương Thị Hường - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, đến nay
các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào du
khách bị lấy giá cao so với quy định, niêm yết. Trước và trong lễ, chính
quyền TP lập nhiều đoàn đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để
kiểm tra, nhắc nhở để đảm bảo không tái diễn hiện tượng “chặt chém” du
khách.
Phú Quốc: tăng cường tàu, phà phục vụ du khách
Chiều 29-4, hàng ngàn du khách đã đến Phú Quốc bằng nhiều phương
tiện như đường hàng không, tàu cao tốc và phà. Lượng xe trên đảo ngọc
không đủ đáp ứng di chuyển của du khách nên trên những chuyến phà cao
tốc chở theo đầy xe du lịch.
Nhiều du khách đi lẻ hoặc người dân địa phương có việc đi Phú Quốc
đột xuất không thể tìm đâu ra vé. Chiều ngược lại, vé trở về đất liền
vào ngày 3 và 4-5 cũng đã hết cách đây... cả tháng.
Các bãi biển Phú Quốc bắt đầu đông khách, dù chưa phải cao điểm
của đợt nghỉ lễ. Con đường vào bãi Sao - một trong những bãi biển đẹp
nhất ở phía nam đảo Phú Quốc - đang đổ bêtông dang dở khiến hàng chục xe
du lịch dồn ứ cả đoạn đường dài.
Tại cảng An Thới, hàng trăm du thuyền chở khách đi lặn ngắm san
hô, câu cá đầy ắp người. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, toàn bộ hệ thống
resort, khách sạn, nhà nghỉ trên đảo Phú Quốc với hơn 10.000 phòng đều
đã kín khách đặt chỗ trong mùa lễ năm nay. Để phục vụ nhu cầu đi lại cho
hành khách dịp lễ, các công ty tàu khách đường biển đều tăng 2
chuyến/ngày so với ngày thường, giá vé không đổi.
Trong đó, tuyến phà chở khách và ôtô từ thị xã Hà Tiên đi đảo Phú
Quốc ngoài phà Thạnh Thới ra, vừa có thêm phà Bình An đi vào hoạt động.
Như vậy, mỗi ngày hiện có khoảng 30 chuyến tàu, phà từ Rạch Giá, Hà Tiên
đi Phú Quốc và ngược lại. Tuyến Rạch Giá - Nam Du và ngược lại mỗi ngày
có 8 chuyến tàu.
Cửa ngõ TP.HCM kẹt cứng
Từ 5h sáng 29-4, hàng ngàn hành khách đã đổ ra bến xe Miền Đông chờ xe để đi về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... nghỉ lễ.
Nhiều hành khách chưa mua được vé chen chúc trước các quầy vé với
hi vọng mua được những tấm vé cuối cùng. Tất cả ghế chờ của bến xe đều
chật kín chỗ ngồi, hành khách lớp đứng, lớp ngồi, hành lý xếp la liệt
trên sàn, một số người không có chỗ ngồi phải ra ngoài uống cà phê ngồi
đợi.
Đến 4h chiều, các tuyến đường xung quanh bến như Đinh Bộ Lĩnh,
quốc lộ 13, Xô Viết Nghệ Tĩnh... vẫn kẹt cứng, xe cộ di chuyển chậm
chạp. Tại giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí (trước cổng bến xe), dòng xe
cộ xếp hàng kéo dài hơn 500m.
Ông Nguyễn Hoàng Huy - phó giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết do
lượng khách quá đông, đỉnh điểm lên đến 44.000 khách/ngày, bến xe này
phải điều xe từ các tuyến khác sang tăng cường phục vụ người dân.
Tại bến xe Miền Tây, lượng khách ra vào bến chiều 29-4 vẫn không
có dấu hiệu giảm bớt, dự kiến đạt 58.000 - 60.000 lượt khách, tăng 90%
so với ngày thường. Tại bến phà Cát Lái (Q.2) và phà Bình Khánh (huyện
Nhà Bè), lực lượng Thanh niên xung phong được huy động đứng phân luồng,
tổ chức bán vé từ xa nhằm giảm ùn tắc, do lượng khách đi lại tăng đột
biến.
Hàng không: khách quốc tế tăng mạnh
Thông tin từ Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết số lượng hành
khách quốc tế tại các cảng hàng không khu vực miền Nam tăng mạnh trong
dịp lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, các cảng hàng không khu vực này đã đón gần
47.000 lượt khách quốc tế, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo nguồn tin này, trong hai ngày 28 và 29-4, các cảng hàng
không khu vực miền Nam đã đón gần 127.000 lượt khách, tăng 24,8% so với
cùng kỳ năm ngoái, trong đó Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón
107.883 lượt người, tăng 24,5%.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào tối 28-4 và sáng 29-4, ga quốc nội
và ga quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt khách nhưng không có
biểu hiện quá tải hoặc hành khách phải chờ đợi lâu khi check-in.
Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết đã chuẩn bị kỹ
các phương án điều phối tránh tắc nghẽn, công tác quản lý điều
hành các chuyến bay, an ninh hàng không trong dịp lễ được siết chặt và
được báo cáo tình hình liên tục. Đồng thời, phía Cảng hàng không quốc
tế Tân Sơn Nhất cũng đã tăng cường thêm nhân lực, trang thiết bị để
hỗ trợ hành khách.
Nhóm phóng viên TTO