Tổ Quốc - Tại Hà Nội, những quán cà phê mọc ngay trên đường ray tàu lửa, đoạn từ phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng thu hút đông đảo khách du lịch. Dù ngành đường sắt đã treo biển cảnh báo nguy hiểm nhưng các hộ kinh doanh cũng như du khách vẫn "giỡn mặt với tử thần"
Tuyến đường sắt từ ga Hà Nội (ga Hàng Cỏ) do Pháp xây dựng hơn 100 năm
trước để chuyên chở hành khách và hàng hóa đi các tỉnh phía Bắc với điểm
cuối là Lào Cai. Đoạn đi qua khu vực nội đô có hành lang đường sắt
"siêu hẹp" vì nhà dân san sát hai bên. Tuyến đường sắt qua một số tuyến
phố như Phùng Hưng, Trần Phú, Khâm Thiên, Lê Duẩn, đường Giải Phóng… gần
đây xuất hiện tình trạng rất đông du khách nước ngoài và một số bạn trẻ
truyền tai nhau đến uống cà phê, nước giải khát, ngắm tàu hỏa chạy.
Ngành đường sắt đã treo biển cảnh báo cũng như không cho phép các hoạt
động kinh doanh, tụ tập đông người tại khu vực tàu đi qua này.
Tuy nhiên hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt du khách cũng như các bạn trẻ đến chụp ảnh cũng như ngồi ngắm tàu chạy qua.
Theo những người dân sinh sống quanh đây, họ "thuộc lòng" giờ tàu đến.
Mỗi khi có tàu, cả xóm hô hoán cảnh báo cho nhau, nên hầu như không xảy
ra tai nạn. Bà Mai, chủ một quán cafe ở xóm đường tàu cho biết, các chủ
quán cà phê có trách nhiệm nhắc nhở khách du lịch nếu có tàu đến.
Càng về tối, lượng du khách đổ về "xóm đường tầu" này càng đông.
Thời điểm 19h hàng ngày sẽ có tầu chạy qua, nên du khách nước ngoài đổ về đây để được trải nghiệm cảm giác mạnh này.
Bắt kịp nhu cầu của du khách, những quán cà phê sát đường tàu từ đầu phố
Trần Phú đến hết phố Phùng Hưng được mở ra. Hàng ngày, đặc biệt là cuối
tuần, quán đông nghẹt khách, chủ yếu là khách Tây. Họ tò mò và muốn
trải nghiệm cảm giác đợi chờ đoàn tàu đi qua ngay trước mặt mình với cự
ly rất gần.
Mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, thường là trước 10 phút, các chủ quán
cà phê nơi đây chạy đôn chạy đáo thu dọn bàn ghế, nhắc nhở du khách đứng
nép sát vào tường quán để tránh xảy ra tai nạn.
Tiếng còi hú vang lên từ đằng xa, hàng chục máy ảnh, điện thoại bật sẵn
được đưa lên cao, thu vào tầm ngắm hình ảnh đoàn tàu khổng lồ. Nhiều
chỗ, khách chỉ cách đoàn tàu chừng 0,4 mét, rất nguy hiểm.
Theo quy định của Luật Đường sắt, nghiêm cấm hành vi lấn chiếm hành lang
an toàn đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt. Phạm
vi dải đất bảo vệ hai bên hành lang đường sắt được xác định 7 mét tính
từ mép ngoài của ray trở ra đối với nền đường không đắp, không đào; 5
mét tính từ chân nền đường đắp.
Tuy nhiên ghi nhận của PV, khoảng cách đứng tránh tàu ở đây chỉ khoảng
từ 0,3m đến 1m tuỳ vị trí. Có những người còn cố tình thò tay ra chạm
vào đoàn tầu.
Việc xử phạt đối với vi phạm này đã được quy định tại Điểm c, Khoản 1,
Điều 51 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, cảnh cáo
hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với cá nhân,
từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi
mua bán hàng hóa, họp chợ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt,
hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Trước đó, vào cuối năm 2017, một quán cà phê tại ngõ 10 Điện Biên Phủ
(Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) cũng thu hút nhiều du khách nước ngoài tới
trải nghiệm cảm giác ngồi uống cà phê ngay trên đường ray tàu hỏa. Tuy
nhiên, ngay sau đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ quán dọn dẹp bàn
ghế và ký cam kết không tái phạm lấn chiếm lòng đường, ảnh hưởng hành
lang an toàn giao thông. Tuy nhiên ghi nhận của PV tối ngày 25/7: đã có
hàng trăm quán cà phê mọc ngay trên đường ray tàu lửa đoạn đường từ phố
Phùng Hưng và Trần Phú.