Tuần
trước, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố chỉ số phát triển du
lịch 2024, cho thấy Việt Nam xếp thứ 59/119 quốc gia và vùng lãnh thổ,
đứng sau Singapore (hạng 13), Indonesia (hạng 22), Malaysia (hạng 35) và
Thái Lan (hạng 47). Các chuyên gia khẳng định, những chỉ số của WEF đã
được tính toán và tiêu chuẩn hóa, vì thế du lịch Việt Nam cần
nhìn vào để soi lại năng lực cạnh tranh thực tế. Cơ quan quản lý du
lịch Việt Nam cần lắng nghe và tiếp tục khắc phục những hạn chế để giữ
được sức hút với khách du lịch quốc tế và kéo dài thời gian lưu trú của
du khách tại Việt Nam. Muốn có giải pháp thật sự hiệu quả, phải dám nhìn
thẳng vào kết quả và chấp nhận thực tế để tìm nguyên nhân.
Các
chuyên gia và người trực tiếp làm du lịch đã lưu ý việc nổi lên của
Malaysia, quốc gia dẫn đầu ASEAN về du lịch bền vững. Năm 2023 Malaysia
dẫn đầu ASEAN khi đón 28 triệu lượt khách quốc tế, và là quốc gia duy
nhất ở châu Á đón khách vượt mức trước dịch Covid-19 (28 so với 27 triệu
lượt khách), mặc dù nước này cũng hạn chế bán rượu, bia và không có các
điểm vui chơi xuyên đêm.
Cách làm du lịch của Malaysia (và
trước đó là Thái Lan) đã giúp những người làm du lịch Việt Nam có được
kinh nghiệm hay về "tính liên kết" - gồm liên kết trong ngành, liên kết
địa phương và các vùng, liên kết với các ngành. Ở các nước, du lịch liên
kết rất tốt với các ngành y tế (du lịch sức khỏe); giáo dục (du học):
Thể thao (thi đấu, tập luyện, xem thi đấu); văn hóa (làm phim, dựng
phim, các sự kiện); thương mại (hội chợ quốc tế); nông nghiệp (festival
homestay, hội chợ OCOP)… Tổng cục Du lịch Malaysia (thuộc Bộ Du
lịch-Nghệ thuật và Văn hóa nước này), hiện có 34 văn phòng khắp thế
giới. Họ kết hợp truyền thông hiện đại với truyền miệng, làm dịch vụ
thật tốt để lan tỏa kiểu "tiếng lành đồn xa".
Câu chuyện liên kết
phát triển du lịch ở Việt Nam đã có người đúc kết vui nhưng khá hài
hước rằng, du lịch Việt có nhiều thế mạnh, nhưng "mạnh nhất là mạnh ai
nấy làm!". Xét về tài nguyên du lịch, Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát
triển, nhưng sản phẩm du lịch của chúng ta lại khá nghèo nàn, nhiều
chuyến famtrip được triển khai theo phong trào nhưng rồi không thể phát
triển thành sản phẩm thương mại khai thác bền vững. Vì thế, Cục Du lịch
quốc gia Việt Nam cần tập trung vào vấn đề làm sao để cải thiện năng lực
du lịch Việt Nam hiện nay.
Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ đã
có Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững
thời gian tới. Chỉ thị xác định các nhiệm vụ mà ngành du lịch cần tập
trung cải thiện, trong đó chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức
xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, du lịch
nông thôn, du lịch ẩm thực, sức khỏe... Đây chính là cơ hội để du lịch
Việt Nam tham chiếu từ đó nhận biết rõ vị thế của mình.
Một
thực tế đáng buồn là nhiều nơi vẫn làm du lịch theo kiểu chộp giật, chỉ
muốn đầu tư ít, thu lợi nhuận nhanh nhất có thể; làm một thời gian rồi
bỏ, tìm cái mới để câu khách... khiến du lịch Việt đánh mất bản sắc. Du
khách quốc tế khi đến thăm nước ta, hầu hết đều muốn tìm hiểu về bản sắc
các vùng miền, dân tộc. Ngành du lịch đã nỗ lực làm khá tốt về truyền
thông, nhưng dường như vẫn thiếu sự chung tay của các địa phương, nên
nạn bắt chẹt khách, nâng giá tùy tiện, tình trạng chèo kéo đeo bám và vệ
sinh môi trường chưa được cải thiện nhiều trong mắt du khách quốc tế.
Vẫn
biết là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng rõ ràng làm du lịch kiểu như
hiện tại thì ngành du lịch nước ta rất khó nâng cao số lượng khách cũng
như thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút sự quan tâm của du
khách.
Để cải thiện năng lực cạnh tranh, du lịch Việt cần có các
giải pháp đồng bộ; định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch hấp
dẫn hơn, phù hợp xu hướng của khách. Ngành du lịch cần thay đổi tư duy
về quy hoạch và có tầm nhìn dài hạn để phát triển thêm các tour, các sản
phẩm du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu du khách quanh năm, tăng thời gian
lưu trú và khiến du khách quốc tế quay lại Việt Nam; phát triển các
điểm đến mới, điểm đến thứ cấp nhằm giảm tình trạng quá tải tại một số
khu du lịch trọng điểm; khắc phục các hạn chế cố hữu, như chỉ số "Y tế
và vệ sinh", "Sự bền vững về môi trường"..., bằng sự vào cuộc quyết
liệt, mạnh mẽ của các địa phương nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường xanh,
sạch, đẹp, văn minh tại điểm đến. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần tiếp
tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu
cầu phát triển. Một vấn đề quan trọng nữa là đẩy nhanh chuyển đổi số
trong ngành du lịch theo hướng hình thành hệ sinh thái du lịch thông
minh đồng bộ, thống nhất...
Phải có cuộc "cách mạng" thật sự về
cách làm du lịch. Làm du lịch-ngành kinh tế tổng hợp-phải có liên kết,
không thể để các khâu trong chuỗi giá trị du lịch chắp vá, rời rạc,
thiếu chuyên nghiệp và không biết cùng chia sẻ lợi ích.