Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN - ông Nguyễn Hữu Thọ - cho biết hiệp hội đang đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch và các địa phương xây dựng mô hình “trung tâm du khách”, có chức năng điều phối những cơ quan có quyền hạn, trách nhiệm tham gia bảo vệ du khách. Ông chia sẻ thêm:
|
Trật tự viên thanh niên xung phong hướng dẫn du khách qua đường tại khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
- TP.HCM sau nhiều lần đề nghị thành lập cảnh sát du lịch không thành công đã lập lực lượng bảo vệ du khách, phần nào cũng ngăn chặn được tình trạng “chặt đẹp” du khách. Nếu các địa phương làm quyết liệt thì tình trạng này sẽ hạn chế rất nhiều. Trong hội nghị triển khai chiến lược phát triển du lịch do Tổng cục Du lịch chủ trì diễn ra tại Quảng Ninh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN đã công khai nhắc nhở các địa phương phải quan tâm hơn và đề nghị các địa phương suy nghĩ thêm nhiều biện pháp mới để có thể đảm bảo an toàn cho du khách vì khẩu hiệu du lịch VN là một điểm đến an toàn. Hi vọng sau hội nghị này, các sở văn hóa - thể thao và du lịch sẽ có tham mưu cho chính quyền địa phương, tổng cục, bộ để có chỉ đạo chung làm sao cho tình hình tốt lên. Thực tế cho thấy khi các lực lượng bảo vệ du khách ở TP.HCM hay các địa phương khác tập trung nghiêm túc kiểm soát việc này thì tình hình giảm rõ rệt, hình ảnh du lịch VN tốt lên nhiều.
* Theo quan sát của chúng tôi tại các điểm du lịch, lực lượng bảo vệ du khách tại TP.HCM cũng không thể can thiệp, ngăn chặn được chuyện du khách bị chèo kéo, chặt chém...?
- Điều này hoàn toàn đúng. Vừa rồi trong buổi họp của Ban chỉ đạo du lịch TP.HCM, tôi có đề nghị UBND TP.HCM cần phải xây dựng mô hình “trung tâm du khách”. Nơi này không chỉ là trung tâm thông tin du lịch cung cấp tài liệu, tour tuyến, thông tin dịch vụ du lịch cho du khách mà còn là cơ quan nhà nước bảo vệ du khách, đảm bảo an ninh - trật tự cho du khách... Các nước du lịch phát triển đều có mô hình này và hoạt động rất tốt, rất hiệu quả. Trung tâm này sẽ chủ động điều phối các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan: công an, an ninh, y tế, quản lý xuất nhập cảnh.... phối hợp giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn, bảo vệ du khách. Trung tâm sẽ nhận thông báo của du khách hoặc người dân, sau đó điều phối các lực lượng có chức năng giải quyết trục trặc của du khách hiệu quả trong thời gian nhanh nhất, hoặc cùng lúc các cơ quan chức năng cùng đến để giải quyết.
UBND TP.HCM rất ủng hộ mô hình này và sẽ triển khai trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đề xuất bộ, Tổng cục Du lịch triển khai mô hình này tại các trung tâm du lịch lớn đông du khách như Nha Trang, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh...
* Chẳng lẽ lâu nay ngành du lịch không nhìn ra điều này?
- Du lịch VN thời gian qua cũng chỉ phát triển ở một chừng mực nhất định và đang từng bước hoàn thiện. Cũng không phải không nhìn ra điều này nhưng cái khó là không thể triển khai do phụ thuộc nhiều về tài chính, nhân sự... Nhưng đến nay tôi nghĩ rằng đã đủ kể cả trình độ, nguồn lực, tài chính... để triển khai mô hình này nhằm phục vụ du khách tốt hơn.
* Nhưng các doanh nghiệp lữ hành từng đề nghị đóng góp tài chính hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn cho du khách?
- Doanh nghiệp bức xúc nên cũng nhiệt tình muốn đóng góp cùng địa phương, cộng đồng... bảo vệ du khách vì họ có an toàn, an ninh thì doanh nghiệp, địa phương và cộng đồng mới có cơ hội có thu nhập trở lại khi lượng khách đến địa phương tăng thêm, chi tiêu nhiều hơn... Tôi cho rằng vẫn phải có quy định rõ ràng đóng góp bao nhiêu trên mỗi du khách để đảm bảo đủ cho chi phí này. Khi đã có quy định cụ thể này rồi, tôi tin các doanh nghiệp lữ hành sẽ ủng hộ.
Nguồn : Tuổi trẻ