Góp ý của nhiều người có chuyên môn và tâm huyết về việc tu bổ, tôn tạo đình và chùa Tri Chỉ đã được chia sẻ, được gửi đến các đơn vị chức năng. Điều cần kíp và có lợi ích chung cho tất cả, đặc biệt là cho người dân địa phương, là sự nghiêm cẩn, chặt chẽ cao hơn của huyện, xã và những người trực tiếp thi công tại hai di sản quan trọng này.
1/Thời gian qua, người dân xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội phấn khởi khi hai di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở thôn Tri Chỉ cùng được tu bổ, tôn tạo. Đó là đình Tri Chỉ, khởi công tháng 10/2023, đơn vị thi công là Liên doanh Công ty cổ phần tu bổ, tôn tạo công trình văn hóa Hà Nội và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Thiên Trường; Công ty TNHH tư vấn và đầu tư xây dựng ACA tư vấn thiết kế và Công ty cổ phần thiết kế và xây dựng An Hưng tư vấn giám sát.
Bắt đầu vào tháng 12 cùng năm là chùa Tri Chỉ, do Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Tràng An thi công; Công ty TNHH kiến trúc xây dựng công trình văn hóa tư vấn thiết kế; Công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Tây Thăng Long tư vấn giám sát.
Sống ở vùng quê giàu truyền thống và biết trân quý di sản, cộng đồng đã thường xuyên theo dõi quá trình tu bổ, tôn tạo. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện những bất cập khi thi công. Trong tháng 5 vừa qua, thay mặt Hội đồng hương Tri Chỉ, một số thành viên đã kiến nghị đến cơ quan chức năng. Theo đó, trên thượng lương đại bái của đình có viết chữ mới mà trước kia không có; tường hai góc trước đại bái xây hụt so nguyên bản; các đầu bẩy bị hụt, không ngồi hẳn vào tường. Các thành viên cũng phản ánh, một bức cốn phía Đông có chân và bụng rồng bị khuyết; một số bức chạm bị nứt vỡ, sứt mẻ. Phần nghi môn cũng chưa được làm đúng với di tích gốc. Theo dõi việc thi công bên chùa Tri Chỉ, nhiều người cũng chia sẻ thông tin về việc một bức tượng hộ pháp bị gãy đầu.
Nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng sẽ bảo đảm hơn về chất lượng tu bổ, tôn tạo đình và chùa Tri Chỉ.
2/Đại diện hai đơn vị thi công đã xác nhận có những hạn chế, thiếu sót, đã nắm bắt kiến nghị và đang chỉnh sửa. Như với tượng hộ pháp chùa Tri Chỉ, theo ông Nguyễn Anh Tấn, Giám đốc công ty Tràng An, thì pho tượng có tuổi đời lâu năm, trước kia làm theo lối không có cốt mà chỉ đắp gạch, chát hỗn hợp vôi, cát, mật mía… Trong khi di chuyển tượng để làm phần móng, cốt nền, đơn vị đã dùng sắt hộp làm khung nâng và bao quanh, nhưng do rung lắc nên đã phát sinh những vết nứt và xảy ra sự cố đáng tiếc. Đơn vị đã mời thợ sơn ở Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) khắc phục, hiện đang cố định lại pho tượng. Xuống khảo sát việc thi công, ông Dương Hùng Kiên, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Xuyên - Chủ đầu tư cả hai dự án đình và chùa đã nhắc nhở, đơn vị cần nghiêm túc nhận trách nhiệm và phải phục hồi nguyên trạng đến khi đạt yêu cầu của nhân dân.
Liên quan đến ngôi đình gần 400 năm tuổi, phía liên doanh thi công cho biết, đã xóa chữ trên thượng lương, đang sửa ở nghi môn. Cùng với đó, sửa ở bức cốn phía đông và sẽ khắc phục với một số đầu bẩy bị hụt… Theo ông Dương Hùng Kiên, việc xảy ra những sai sót, khúc mắc tạo ra dư luận trong dân là điều đáng tiếc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện sẽ tăng cường giám sát, phối hợp chính quyền địa phương, đơn vị thi công để làm rõ trách nhiệm cụ thể của các bên, sớm khắc phục để dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ông Ngô Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung cũng cam kết: Chính quyền sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc khắc phục sự cố và thi công công trình.
3/Thực tế cho thấy, một phần nhờ sự quan sát và lên tiếng trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng mà những hạn chế, sai sót trong việc tu bổ, tôn tạo di tích đã được chỉ ra. Ngay cả khi có những vấn đề còn chưa thật sự đồng thuận trong một bộ phận người dân hoặc giữa người dân với chính quyền, thì việc kiến nghị kịp thời luôn là cần thiết. Từ đó đòi hỏi có sự trao đổi, tiếp thu trên cơ sở chuyên môn, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật và tôn trọng truyền thống văn hóa địa phương. Ông Vũ Xuân Hiền ở thôn Tri Chỉ chia sẻ mong muốn của nhiều người: Việc tu bổ, tôn tạo cần theo đúng các quy định chung như: có khảo sát, thiết kế, xin ý kiến của cộng đồng dân cư…, làm sao khi hoàn thành sẽ có được công trình văn hóa, lịch sử gần như nguyên trạng và vững bền hơn. Ông Hiền cũng nhấn mạnh: mọi sự thay đổi như kết cấu, chi tiết, hoa văn… cần có sự đồng thuận của các bên, nhất là của cộng đồng dân cư - những người sẽ thụ hưởng và tiếp tục gìn giữ công trình văn hóa, lịch sử.
Hiện tại, vẫn đang tiếp tục có những phân tích về một số thông tin kỹ thuật mà theo đó là có bất cập liên quan đến chiều cao góc đao đình, vị trí các chân cột, việc thi công móng, nền của đình… Đây cũng là ý kiến của những người có gốc gác ở làng, đang làm công tác nghiên cứu và văn hóa và có chuyên môn về trùng tu di tích. Như vậy, chủ đầu tư, chính quyền xã và các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công cần có trách nhiệm cao hơn trong việc sớm đối thoại, tiếp thu đầy đủ những băn khoăn, kiến nghị của người dân; tạo điều kiện nhiều hơn cho dân giám sát song song quá trình thi công. Qua đó kịp thời sẻ chia hiểu biết, thống nhất những vấn đề kỹ thuật và điều chỉnh, sửa chữa, tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra. Đặc biệt khi đình và chùa là các công trình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, xã hội của đông đảo người dân sở tại và khách thập phương trong nhiều năm tới.
Quang Hùng
Nguồn: Thời Nay