Vừa qua, vụ việc nữ du khách bị lừa
mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt dịch vụ lưu trú qua fanpage có tích xanh (dấu
xác thực) giả mạo một khu nghỉ dưỡng tại Ninh Bình đã gây xôn xao dư
luận. Sau khi chuyển khoản đặt phòng, khách được thông báo đã chuyển sai
nội dung, yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và lấy
lại số tiền thừa. Tiếp đó, đối tượng lừa đảo dùng nhiều cách để thao
túng tâm lý, đánh lạc hướng và dẫn dắt khách thực hiện hàng loạt thao
tác như kích hoạt ví VNPAY, nhập mã do đối tượng gửi, xác thực khuôn mặt
nhiều lần… Sau khi mất tới hơn 1 tỷ đồng, du khách mới biết mình là nạn
nhân của một vụ lừa đảo.
Thủ đoạn của các đối tượng là lập ra
các fanpage giả nhái tên, đăng tải y hệt các nội dung của fanpage chính
để đánh lừa du khách. Khi tư vấn dịch vụ, đối tượng không ngại đưa ra
các chương trình ưu đãi hấp dẫn như giảm giá, tặng kèm suất ăn, vé vui
chơi, phương tiện đưa đón miễn phí… để đánh vào tâm lý ham giá rẻ, kích
thích du khách chuyển tiền trước. Các đối tượng cũng không ngại đầu tư
chạy quảng cáo, mua lượt follow, mua lượt đánh giá, bình luận trên
fanpage giả, thậm chí lập tài khoản mang tên công ty để chiếm trọn niềm
tin của khách hàng. Do đó, nếu không tỉnh táo, du khách rất dễ bị lừa.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo
trên môi trường số, mỗi du khách cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng để
trở thành những người tiêu dùng thông thái đủ khả năng bảo vệ quyền lợi
của chính mình.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền
thông) khuyến cáo, người dân cần kiểm tra, xác minh thông tin về vị trí,
cơ sở vật chất; kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; lai lịch, độ uy
tín của đối tượng. Trong trường hợp trở thành nạn nhân bị lừa đảo, người
dân cần báo ngay cơ quan công an để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam
vừa ban hành văn bản đề nghị cơ quan quản lý du lịch các địa phương tăng
cường tuyên truyền tới các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân
để hiểu biết về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo mới trong lĩnh vực du
lịch; khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin của cơ sở cung cấp dịch
vụ du lịch nói chung và cơ sở lưu trú du lịch nói riêng trước khi đặt
dịch vụ, thực hiện giao dịch thanh toán; đồng thời cung cấp thông tin
các cơ sở có đăng ký kinh doanh trên địa bàn để người dân, du khách biết
và đặt dịch vụ…
Trước tình trạng fanpage du lịch giả mạo tràn
lan, các chiêu trò lừa mua dịch vụ ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến niềm tin, quyền lợi của du khách cũng như uy tín, hình
ảnh của những đơn vị du lịch chân chính, cần có sự vào cuộc, phối hợp
chặt chẽ hơn nữa của ngành du lịch, truyền thông và công an để kiểm soát
tình hình, phát hiện, phạt thật nặng những đối tượng vi phạm; tuyên
truyền chi tiết về những điều nên/không nên trong thực hiện giao dịch
trực tuyến mua sắm dịch vụ.
Các đơn vị du lịch cần thường xuyên
đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng và cung cấp thông tin rộng rãi
về doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tăng
cường độ nhận diện và phương thức liên hệ đến du khách có nhu cầu sử
dụng dịch vụ, sản phẩm…