“Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trảy nước non Cao Bằng’’
Đó là tứ thơ mà người ta vẫn dùng để nói đến vùng đất tươi đẹp ở địa đầu tổ quốc Cao Bằng. Thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây nhiều danh thắng tuyệt đẹp, những cánh rừng, sông hồ và núi đá cùng với con người và nền văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Cao Bằng đã hòa quyện vào nhau tạo nên nét đặc trưng quyến rũ rất riêng.
Pắc Bó – cội nguồn cách mạng Việt Nam
Cách thị xã Cao Bằng khoảng 50km, khu di tích lịch sử cách mạng Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Địa danh Pắc Bó gắn với một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng nước ta những năm 1941 - 1945.
Pắc Bó theo tiếng địa phương có nghĩa là “đầu nguồn” hay “miệng nguồn” và cũng thật trùng hợp, nơi đây được coi là cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mảnh đất Pắc Bó đã đón Bác về qua cột mốc 108. Khu di tích lịch sử Pắc Bó gồm nhiều di tích gắn liền với cuộc sống gian khổ của Bác khi ở đây. Nằm lưng chừng núi hiện còn lưu dấu tích nền nhà ông Lý Quốc Súng - nơi Bác Hồ ở trong những ngày đầu tiên khi về nước (từ ngày 28/1 – 7/2/1941). Gần đó là hang Cốc Bó nằm sâu bên trong sườn núi đá lởm chởm. Trên vách đá còn thấy được dòng chữ do tự tay Bác khắc vào đá: Ngày 8 tháng 2 năm 1941. Đó là ngày Bác chuyển từ nhà ông Lý Quốc Súng đến ở hang Cốc Bó. Trong hang hiện còn lưu giữ 4 tấm phản được ghép vào nhau Bác dùng để nằm nghỉ. Ngay phía trên là một khối thạch nhũ được Người đặt tên là tượng Các Mác. Dòng suối Lê Nin trong vắt vẫn đêm ngày uốn lượn dưới chân núi Các Mác sừng sững. Đi dọc những sườn đá rêu phong bên bờ suối Lê Nin, ta gặp lại nơi Bác vẫn thường ngồi câu cá, nghỉ ngơi. Dọc bờ suối dẫn đến chiếc cầu gỗ bắc ngang cửa khe Cốc Bó là nơi khởi nguồn của suối Lê Nin. Bên bờ suối còn chiếc “bàn đá chông chênh” nơi Người thường ngồi “dịch sử Đảng”. Phía trước hang Cốc Bó khoảng 1.000m, ngược lên sườn núi là lán Khuổi Nậm nằm ngay bên dòng suối nhỏ. Nơi đây, Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 (từ ngày 10 - 19/5/1941) và hoàn chỉnh đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam.
Trên đường vào khu di tích Pắc Bó, du khách không quên ghé vào thăm nơi an nghỉ và đền thờ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kim Đồng - Nông Văn Dền, người con dân tộc Nùng của quê hương Cao Bằng.
Kỳ thú động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao theo tiếng địa phương có nghĩa là hang hổ, là một động lớn nằm trong lòng dãy núi đá vôi thuộc bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, cách thị xã Cao Bằng hơn 90km.
Đứng trước cửa động, chỉ cách vài bước chân mà nhiệt độ lại khác hẳn. Nếu như bên ngoài đang oi bức thì ngay cửa động lại mát lạnh. Đó là do luồng gió trong động thổi ra khiến cho du khách như quên hết mọi mệt nhọc. Bước vào cửa động là bước vào một thế giới kỳ ảo. Từ trên vòm đá cao rủ xuống những dải thạch nhũ lấp lánh. Thiên nhiên đã miệt mài từ bao đời để tạo ra những nhũ đá quyến rũ sức tưởng tượng của con người. Có nhũ đá mang dáng dấp như cây xương rồng, có nhũ giống con thuyền buồm đang lướt sóng, có những khối nhũ trông như búp sen khổng lồ, cây vàng, cây bạc, nấm linh chi... Lại có những nhũ đá rỏ nước lách tách, mang đủ hình dáng như đụn gạo, cá sấu, ông bụt, bầu nước... Dưới nền hang là những lớp ruộng bậc thang chứa đầy nước do nhũ đá và dòng nước suối qua bao triệu năm bồi đắp tạo thành. Vòm động cứ khép vào rồi lại mở ra, để mỗi lần như thế tạo cho người xem một sự thích thú bất ngờ. Nhũ đá mọc từ dưới lên, thả từ trên xuống, đủ các kích thước, hình dáng… tất cả đan xen vào nhau tạo thành một mê cung kỳ diệu. Con suối ngầm dưới đáy hang có chỗ sâu nhất 30m luồn lách qua muôn vàn măng đá càng tạo thêm cho động vẻ quyến rũ lạ thường. Tại cửa ra Ngườm Ngao còn có một tảng đá phẳng, rộng chừng 1m2, trên khắc chữ bằng tiếng Pháp đại ý nói rằng vào năm 1921, quan phủ Trùng Khánh hồi đó là Hoàng Huy Giao đã dẫn quan đại tá người Pháp thám hiểm lòng động Ngườm Ngao.
Toàn bộ động Ngườm Ngao dài khoảng 2.800m, thông qua 3 ngọn núi, chỗ cao nhất lên đến hơn 70m, gồm 3 cửa chính Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Người dân Bản Thuôn từ lâu nay, mỗi khi trời mưa sợ đường núi trơn trượt thường đi xuyên qua động để đến bên này núi họp chợ.
Thác Bản Giốc – tặng vật vô giá của thiên nhiên
Thác Bản Giốc được xem là một trong những tặng vật vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng. Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khuê huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khuê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng, bãi ngô làng Bản Giốc, sau đó tách thành hai nhánh rồi đột ngột hạ thấp độ cao tạo thành thác Bản Giốc.
Ngay từ xa, du khách đã nhìn thấy một làn sương mờ bốc ngang sườn núi và nghe thấy những tiếng động ầm ào của thác phá vỡ sự yên tĩnh của núi rừng. Đến chân thác, du khách sẽ thấy thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn. Với độ cao 53m, rộng 300m, thác có 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Vào những ngày hè nắng nóng, không khí ở đây vẫn mát lạnh do hơi nước bốc lên không trung và nếu may mắn, bạn sẽ được nhìn thấy cầu vồng lung linh, huyền ảo do hơi nước tạo thành. Giữa thác có một mô đá rộng, phủ đầy cây đã xẻ dòng sông thành ba luồng nước như ba dải lụa trắng. Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng. Phía dưới dòng thác là sông Quây Sơn trong xanh, nơi đó có một loại đặc sản quý: cá trầm hương, một loại cá thịt thơm như mùi trầm. Hai bên bờ là ruộng lúa, thảm cỏ, lác đác cây hoa dại, từng đàn trâu bò ung dung gặm cỏ làm cho cảnh sắc càng thêm sinh động.
Đến thăm những thắng cảnh ở Cao Bằng và được thưởng thức những sản vật địa phương như rau dạ hiến, hạt dẻ Trùng Khánh, mật ong rừng, bánh cuốn, chè đắng, phở chua…, tham dự vào nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao, chắc rằng mỗi du khách sẽ không phải hối tiếc khi đã vượt đèo dốc để đến với mảnh đất đậm tình người vùng cực Bắc tổ quốc.
LH