(Dân trí) - Cây đa ở đền Thượng, thành phố Lào Cai có tuổi đời trên 300 năm, chu vi 44m, cao hơn 36m được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Đây là cây di sản có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam.
Đền Thượng nằm ở phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Nơi đây thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, người có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông đất nước.
Ngay bên ngôi đền cổ này có cây đa lông hơn 300 năm. Cây đa này đã được công nhận là "Cây di sản Việt Nam".
"Cây đa di sản" này cao 36m, chu vi 44m và là cây đa có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam.
Cây đa lông có tên khoa học là Ficus Drupacea Thunb, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), nguồn gốc tại Đông Nam Á và được phân bổ ở các vùng miền của Việt Nam.
Đa lông là loại cây gỗ lớn cao tới 30 - 35m, tán rộng, thường nhiều thân với rễ phụ; lá đơn mọc cách hình trứng hay trái xoan, phiến lá dày, hai mặt có lông màu vàng nâu hay xám bao phủ.
Ở Việt Nam, cây đa lông thường được trồng ở đình chùa hoặc nơi công cộng để làm cây bóng mát vì có dáng đẹp, dễ trồng, nhanh lớn và tuổi thọ cao.
Cây đa ở đền Thượng có hàng trăm rễ phụ. Sau thời gian dài ăn sâu vào lòng đất, đa số những rễ này đã to lớn làm cho gốc cây đa rộng hàng chục người ôm không hết.
Thời điểm cây đa lông ở đền Thượng được công nhận là "Cây di sản Việt Nam", đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Lào Cai được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam và là cây thứ 155 trong cả nước được công nhận danh hiệu này.
Cây đa cổ thụ được công nhân là Cây di sản Việt Nam càng làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa và môi trường của khu di tích lịch sử đền Thượng - một trong những điểm du lịch tâm linh của Lào Cai thu hút nhiều du khách thập phương.
Cây đa được coi là hiện thân của Thánh mẫu thượng ngàn trong tín ngưỡng của người Việt. Hiện dưới gốc đa vẫn còn ngôi miếu nhỏ có câu đối: "Thụ mộc đa sinh sinh thế thế - Tiên cô hóa hiện hiện linh linh"
Thường một cây để được công nhận là "Cây di sản Việt Nam" phải hội đủ nhiều tiêu chí. Đối với cây tự nhiên phải sống trên 200 năm, cây trồng trên 100 năm; những cây khác phải có giá trị đặc biệt về khoa học, lịch sử, văn hóa hoặc mỹ quan, thuộc dòng cây cảnh độc đáo.
Cây đa ở đền Thượng hội đủ các yếu tố trên khi có tuổi đời trên 300 năm, cây cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, đặc biệt là có giá trị cảnh quan, văn hóa và lịch sử.
Du khách tham quan trầm trồ khen ngợi cây đa hàng trăm năm tuổi có "một không hai" ở Việt Nam.
Thái Bá