(Dân trí) - Có thời gian nhiều hơn, chúng ta thử ngắm bầu trời đêm trong veo bởi không khí ít ô nhiễm hơn từ cửa sổ, ban công nhà mình và lên kế hoạch tới những điểm ngắm sao thú vị nhất.
Bầu trời đầy sao nhìn từ Khu bảo tồn Bầu trời tối quốc tế Mont-Mégantic ở Quebec, Canada. (Ảnh: Shutterstock)
Khu Bảo tồn Bầu trời tối là khu vực thường bao quanh công viên hoặc đài quan sát, hạn chế ánh sáng nhân tạo, với mục đích chung nhằm thúc đẩy Thiên văn học.
Dịch bệnh Covid-19 gây nhiều tác hại nhưng mặt khác nhiều nơi đã giảm thiểu được ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm hoá chất và ô nhiễm ánh sáng. Không gian tĩnh lặng hơn, bầu trời trong hơn nên việc ngắm sao đêm cùng những hiện tượng kỳ thú trên không trung cũng dễ dàng và hấp dẫn hơn.
Đối với các nhà thiên văn học thì tình huống dù chỉ là tạm thời này đang là thời cơ cho họ quan sát bầu trời chuẩn xác hơn – theo ông John Barentine, Giám đốc chính sách công của Hiệp hội Bóng tối quốc tế (IDA).
Hình ảnh “sao chạy” được chụp ở phía Nam Arizona. (Ảnh: Getty)
Ông Tom Kerss - nhà thiên văn học đang điều hành podcast Star Sign phát hành hàng tuần nêu rõ: “Rất tuyệt khi có các công viên dành riêng như thế này. Tầm quan trọng của những nơi mà vẻ đẹp của bầu trời được bảo tồn cho các thế hệ tương lai là không hề bị cường điệu hoá”.
Dải Ngân Hà với trung tâm Sao Mộc bên phải. (Ảnh: Shutterstock)
Tuy nhiên ông Kerrs cũng khẳng định: Không nơi nào là hoàn hảo trên Trái Đất để ngắm sao, vì chúng ta quan sát các vì sao từ những độ cao khác nhau trên khắp thế giới và vào những thời điểm khác nhau. Vì thế tốt nhất chúng ta nên lên kế hoặc cho vài chuyến đi ngắm sao trong tương lai gần khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Ví dụ như điểm quan sát dải Ngân Hà rực rỡ nhất, theo ông Kerrs, là từ các sa mạc khô cằn ở Namibia (châu Phi) và Chile (Nam Mỹ) từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm.
Quan sát bầu trời trong veo là mơ ước của các nhà thiên văn học khắp thế giới. (Ảnh: Shutterstock).
Dưới đây là gợi ý của các chuyên gia về 10 điểm ngắm bầu trời tối tuyệt nhất:
1. Khu bảo tồn Bầu trời tối quốc tế NamibRand, Namibia
Hình ảnh “sao chạy” chụp từ sa mạc Namib. (Ảnh: Getty).
Đây là một trong những nơi bầu trời tối nhất được IDA giám sát.
Tới khu bảo tồn này du khách có thể kết hợp quan sát bầu trời đêm nguyên sơ phía nam với cơ hội ngắm động vật hoang dã vào ban ngày và trải nghiệm hệ sinh thái độc đáo của sa mạc Namib.
2. Đài thiên văn Mauna Kea, Hawaii
Đài thiên văn Mauna Kea. (Ảnh: Getty).
Để quan sát bầu trời sao rõ nhất, du khách cần tới nơi có nhiều kính viễn vọng chuyên nghiệp lớn trên thế giới như đài thiên văn Mauna Kea. Nhìn từ đây đôi khi thấy cả núi lửa Kilauea đang hoạt động ở phía nam phát sáng trên đường chân trời.
Tại độ cao lớn (4.267m so với mực nước biển) như vậy, bầu không khí trên Thái Bình Dương tạo sự sắc nét đến nỗi bầu trời thật mà trông như được chụp hình.
3. Khu bảo tồn Bầu trời tối quốc tế Mont-Mégantic tại Québec, Canada
Nằm trên một đỉnh núi phía đông Canada, khu bảo tồn này toạ lạc tại nơi vốn là địa điểm của một đài thiên văn với tầm nhìn bao quát toàn cảnh bầu trời đêm rất thú vị. Đồng thời còn có ASTROLab - trung tâm khoa học và kính viễn vọng mà du khách có thể tiếp cận được thuộc loại tốt nhất thế giới.
4. Bán đảo Snæfellsnes, Iceland
Cực quang trên núi Kirkjufell ở Iceland. (Ảnh: Getty).
Bán đảo Snæfellsnes ở phía tây Iceland mà tên gọi có nghĩa là “Iceland thu nhỏ” bởi trong khu vực này có nhiều điểm tham quan, bao gồm cả núi lửa Snæfellsnes là một trong những biểu tượng của Iceland.
Đặc biệt núi Kirkjufell trên bán đảo này là nơi rất có sức cuốn hút với những người muốn được trải nghiệm sự kỳ diệu của Cực quang - một hiện tượng mê hoặc nhất trên bầu trời, thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau.
5. Công viên Bầu trời tối quốc tế Núi Hehuan, Đài Loan (Trung Quốc)
Công viên Bầu trời tối quốc tế mới nhất tại châu Á này chỉ cách Đài Bắc vài giờ xe chạy, nằm ở nửa phía bắc của đảo với cảnh quan được chú ý nhất là núi Hehuan cao 3.416m - nơi có các tầm nhìn phù hợp để ngắm sao quanh năm.
6. Saint Helena, South Atlantic (Nam Đại Tây Dương)
Dải Ngân Hà rực sáng nhìn từ Saint Helena. (Ảnh: Getty)
Saint Helena là đảo núi lửa ở South Atlantic – vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, tuy xa xôi nhưng dễ tiếp cận. Tại đây vào năm 1676 nhà thiên văn học thiên tài Edmund Halley người Anh đã lập ra bản đồ chi tiết đầu tiên về các vì sao và nhìn thấy sự “quá cảnh” của sao Thuỷ ngang qua Mặt trời.
Saint Helena là nơi đang phát triển du lịch nhưng chỉ có ít dân và đặc biệt bầu trời vùng này rất tối.
7. Công viên Bầu trời tối quốc tế Iriomote-Ishigaki, Nhật Bản
Điểm ngắm sao này nằm trong một công viên quốc gia tại quần đảo Iriomote-Ishigaki ở cực nam Nhật Bản, nơi được coi như một “thiên đường” nhỏ tương tự Hawaii. Do vị trí tương đối biệt lập và ít dân nên bầu trời tối nơi đây được bảo vệ tốt hơn.
8. Khu bảo tồn Bầu trời tối quốc tế Aoraki Mackenzie, New Zealand
Ngắm Cực quang và Dải Ngân Hà từ Công viên quốc gia Núi Cook. (Ảnh: Getty).
Núi Cook (cũng là núi Aoraki) là ngọn núi cao nhất New Zealand với chiều cao theo xác định năm 2014 là 3.724m.
Ngành công nghiệp du hành vũ trụ phát triển tại New Zealand tạo cơ hội cho du khách ở mọi trình độ tận hưởng bầu trời đêm theo nhiều cách, từ chỉ đơn giản ngắm sao tới chụp ảnh kỷ yếu…
9. Nam Cực
Bầu trời đêm tại Nam Cực. (Ảnh: Shutterstock).
“Điểm đến mơ ước của tôi là Nam Cực – ông Kerrs, người rất thích chiêm ngưỡng Cực quang cho biết – Càng đến gần cực Nam thì cực thiên thể nam càng tăng rất cao”.
Một thời điểm đặc biệt theo dự báo là vào ngày 4/12/2021 sẽ có Nhật thực toàn phần hiếm thấy tại Nam Cực.
10. Công viên Quốc gia Grand Canyon tại Arizona, Mỹ
Ngắm Dải Ngân Hà từ Công viên Quốc gia Grand Cannyon ở Arizona. (Ảnh: Getty).
Công viên này đã có tên trong nhiều danh sách “cần xem” và nó cũng là một Công viên Bầu trời tối quốc tế có tiếng.
“Dù đã có khoảng 35 hoặc 40 lần ghé qua, tôi vẫn cảm giác như trong mơ trước phong cảnh hùng vĩ nơi đây mà bầu trời đêm là một “phần thưởng” rất đáng giá” - ông Barentine vốn là người vùng Arizona chia sẻ.
Linh Lê
Theo SMCP