Nghị quyết nêu rõ, từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách
du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày
15/3/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và
sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Đây là những minh
chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục
hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Du lịch đã ngày
càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội,
góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo
tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng,
an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Bên
cạnh đó, ngành Du lịch vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục
liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng, chính sách thị thực, vệ sinh
môi trường, xúc tiến quảng bá… nhằm phát triển du lịch tương xứng với
tiềm năng sẵn có.
Với phương châm đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc -
Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh
tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân
thiện” và mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch
hàng đầu thế giới, Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao
gồm:
Về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững,
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai
thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển
thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ
cấu lại thị trường khách du lịch. Tăng cường công tác thống kê du lịch,
triển khai điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra
thống kê quốc gia. Xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch
xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các
điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh,
sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cơ cấu lại các hoạt động
du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế
toàn cầu và thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới.
Bộ
trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách
đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành du lịch để thực
hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực
hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển
kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từng
ngành và địa phương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên
kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát
triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế
hoạch hành động vùng, liên vùng trong phát triển du lịch, bảo đảm đồng
bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; bám sát định hướng quy hoạch về các
vùng, cực tăng trưởng, khu vực động lực, hành lang du lịch, trung tâm du
lịch và các khu du lịch quốc gia.
Về tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam,
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về công
tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước, trong đó có du
lịch; phát huy vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong
cung cấp thông tin, quảng bá, giới thiệu du lịch, tạo điều kiện thuận
lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Đồng thời, chủ trì, phối
hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét
ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn
thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển
tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.
Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện
chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du
lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh
sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa). Đánh giá, tổng kết
chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện được cấp thị
thực điện tử để báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật nhập
cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm tạo thuận
lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo
đảm tính thống nhất về quy định cấp thị thực điện tử và thị thực truyền
thống và kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam.
Cải
tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các
cửa khẩu đường hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho
khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, có biện pháp quản lý, bảo đảm an
ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bộ Giao thông vận tải
triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế
đến Việt Nam: Rà soát Hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia
và vùng lãnh thổ để thúc đẩy triển khai và tạo thuận lợi hơn nữa cho
các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và đến địa bàn
trọng điểm du lịch của Việt Nam.
Về tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực thi nhanh, hiệu quả
“Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2045” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ưu tiên đầu tư cho
khu vực động lực, khu vực tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc
gia; tổ chức triển khai các chương trình, đề án chuyên đề thúc đẩy phát
triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch.
Bộ
Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc quy
hoạch chung xây dựng các khu du lịch quốc gia theo phân công của Thủ
tướng Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải thực hiện nâng cấp các đầu
mối kết nối hàng không với đường bộ, đường biển và đầu tư nâng cấp các
sân bay, bến cảng. Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công về hạ tầng;
nâng cấp hạ tầng giao thông bảo đảm các phương tiện tiếp cận các khu du
lịch, vùng du lịch trọng điểm của địa phương.
Về phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch,
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển, làm mới
loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi
thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân
tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch
sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf,
du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực.
Phát triển thương hiệu du
lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc,
biển, đảo; xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân
văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”.
Xây
dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế; đổi mới phương
thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; phát huy
sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội.
Tiếp
tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có
nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh xã
hội hóa xúc tiến du lịch, huy động sự hợp tác của các cơ quan đại diện ở
nước ngoài, tận dụng vai trò các trung tâm văn hóa Việt Nam tại các
quốc gia.
Triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho
hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du
lịch; tổ chức nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến
du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số thị trường du lịch
trọng điểm.
Bộ Công Thương lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình
ảnh du lịch Việt Nam trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và
các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương chủ trì ở trong
và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; lồng ghép
quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong phát triển các
loại hình hạ tầng thương mại phục vụ du lịch.
Chính phủ cũng giao
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du
lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng
8 năm 2022.
Về hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch,
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên
cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán
lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất.
Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa
phương triển khai phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh
tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; đa dạng hóa các
mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát
triển. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách
kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các
nguồn vốn, gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù
hợp với tình hình mới.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ
trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận
các nguồn vốn vay ưu đãi.
Về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát triển nguồn nhân lực du lịch
hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, bảo đảm chất
lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát
triển sản phẩm, tổ chức không gian.
Xây dựng tiêu chuẩn và thực
hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch, đa dạng các hình thức đào tạo. Chú
trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch và năng lực quản lý du
lịch, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu. Tăng
cường liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo trong đào
tạo nhân lực du lịch.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách
về an sinh xã hội; chính sách về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực du lịch, thành lập Hội đồng chứng nhận nghề du lịch.
Bộ
Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch rà soát, điều chỉnh và bổ sung các mã ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu
nguồn nhân lực du lịch; triển khai xây dựng và ban hành chuẩn chương
trình đào tạo lĩnh vực du lịch, khách sạn các trình độ của giáo dục đại
học bảo đảm chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu hội nhập trong khu vực và thế
giới; phát triển đội ngũ giảng viên du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức
thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại
học có đào tạo du lịch. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.
Về đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp
với Bộ Công an xây dựng, triển khai Đề án Phát triển du lịch gắn với mục
tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân
cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai
đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 01 năm 2022) để xây dựng
cơ sở dữ liệu lớn về du lịch, trong đó ưu tiên tích hợp cơ sở dữ liệu
căn cước công dân với cơ sở dữ liệu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho
thống kê, quản lý khách du lịch.
Xây dựng hệ sinh thái du lịch
thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du
lịch, nâng cao trải nghiệm du khách bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ
liệu du lịch quốc gia; phát triển trang mạng du lịch quốc gia, ứng dụng
du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”, thẻ Việt - thẻ du
lịch thông minh phục vụ khách du lịch; Phát triển nền tảng số “Quản trị
và kinh doanh du lịch”.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách
nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả
nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết
định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;
phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, các nền tảng số kết
nối liên thông hệ thống thông tin du lịch với các ngành liên quan phục
vụ công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục
vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.
Về tổ chức thực hiện,
Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch
thực hiện theo lĩnh vực được giao quản lý để triển khai, giám sát việc
tổ chức thực hiện Nghị quyết nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch
hiệu quả, bền vững. Tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị
quyết và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong
thời gian tiếp theo, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng
kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; chủ trì đôn đốc,
kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tổng hợp, đánh giá sơ kết tình hình
thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.