Với hàng chục km tuyến sông với khá nhiều điểm tham quan thú vị dọc 2 bên bờ sông, Đồng Nai được đánh giá là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường sông – một loại hình du lịch mới rất được du khách ưa chuộng hiện nay.
Theo đó phát triển du lịch trên sông đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành du lịch tỉnh Đồng nai. Tuyến sông Đồng Nai từ hạ lưu lên thượng nguồn có khá nhiều lợi thế về cảnh quan lẫn văn hóa có thể ứng dụng để phát triển các sản phẩm du lịch sông nước. Các điểm đến trên tuyến đường sông Đồng Nai có cảnh quan đẹp và có sự gắn kết với các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các điểm tham quan du lịch, các làng quê, làng nghề tại các khu vực vùng ven của tỉnh. Đặc biệt những nét sinh hoạt xưa, gắn liền với đặc tính thủy triều chắc chắn là những điểm nổi bật độc đáo trong xây dựng sản phẩm du lịch sông nước. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch này, từ năm 2006 UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sông Đồng Nai là một trong 5 tuyến phát triển du lịch ở Đồng Nai đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Theo quy hoạch, tuyến du lịch này bao gồm các điểm dừng có sức hấp dẫn, như: làng cổ Bến Gỗ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thất phủ cổ miếu (chùa Ông), khu du lịch Bò Cạp Vàng, điểm du lịch sinh thái Năm Huệ - làng bưởi Tân Triều, Đại giác cổ tự, danh thắng Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên và một số khu du dịch, điểm dừng chân lý thú. Ngoài ra, tuyến du lịch nằm ngay trung tâm Tp.Biên Hòa, có thể liên kết, kết nối tour với các điểm du lịch khác ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương… để tạo sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng nhằm hấp dẫn và thu hút du khách. Tuy chỉ mới bắt đầu bằng sự kết hợp nối tuyến với các tỉnh khác muốn phát triển du lịch đường sông nhưng các đoàn du khách nước ngoài đã từng bước thâm nhập, tìm hiểu đời sống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại Đồng Nai bằng hình thức du lịch đường sông.
Có thể thấy phát triển du lịch theo tuyến sông Đồng Nai ngoài việc đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của du khách còn có ý nghĩa trong việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường; đồng thời còn là việc quảng bá giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của Đồng Nai. Tuy nhiên, việc đầu tư và khai thác loại hình du lịch tiềm năng này như thế nào để đúng tầm và có sức thu hút trong thực tế vẫn là vấn đề đặt ra. Nắm bắt được yêu cầu này, Đồng Nai đã dành nhiều sự quan tâm phát triển loại hình du lịch đường sông. Cụ thể trong những năm qua lãnh đạo tỉnh đã tiến hành nhiều đợt khảo sát nhằm tìm kiếm những giải pháp đầu tư cũng như tìm hướng liên kết, phát triển hiệu quả; đồng thời tổ chức nhiều hội thảo bàn giải pháp liên kết phát triển tour, tuyến du lịch đường sông nối liền từ Đồng Nai đến các địa phương lân cận và ngược lại.
Hy vọng với tiềm năng sẵn có cùng nỗ lực không ngừng của các ban ngành hữu quan, trong tương lai không xa du lịch Đồng Nai nói chung mà nhất là tour du lịch đường sông sẽ có nhiều bước khởi nhịp mới, làm nền cho sức bật phát triển trong tương lai để Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ được biết đến là một khu công nghiệp phát triển nhất nhì quốc gia mà còn là một tỉnh phát triển mạnh về ngành dịch vụ du lịch.
Nguồn : Vccinews