Được đánh giá là có bờ biển đẹp nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy phát triển kinh tế biển từ quy hoạch đến sản phẩm du lịch biển, bảo tồn và khai thác hay kêu gọi cộng đồng ngư dân vùng ven biển cùng tham gia bảo tồn và khai thác biển.
Công việc này cần có sự phối hợp thực hiện giữa nhà nước và tư nhân, là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Hòn Phụ Tử - Kiên Giang
Hiệu quả khai thác còn rất khiêm tốn
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam có hơn 3260 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, hơn 2770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam với những đặc trưng khác nhau. Đó là lợi thế thiên nhiên ban tặng cho nước ta để phát triển du lịch. Có khoảng 125 bãi biển, vịnh biển thuận lợi để phát triển du lịch và hơn 30 trong số này đã được các địa phương khai thác tốt để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Một số khu vực đã được khai thác du lịch biển như Hạ Long - Hải Phòng - Cát Bà; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Vân Phong - Đại Lãnh - Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né, Kiên Giang - Phú Quốc, Côn Đảo - Vũng Tàu… Du lịch biển hàng năm cũng thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế tới Việt Nam và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.
Theo ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, hiện nay hiệu quả khai thác du lịch biển đảo của Việt Nam còn khiêm tốn, chưa thu hút được khách quốc tế cao cấp vào du lịch biển Việt Nam, tỷ lệ khách cao cấp còn thấp, chủ yếu là khách khám phá. Gần đây, tỷ lệ khách du lịch Nga đến các vùng biển Việt Nam như Quảng Ninh, Hội An, Phan Thiết,… có tăng nhưng chỉ là lượng khách tự thay đổi điểm đến chứ không phải chủ động thu hút được khách.
Một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam đó là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng du lịch, thiếu nhân lực chất lượng cao, công tác bảo tồn tài nguyên biển chưa được quan tâm đúng mức. Ông Hà Văn Siêu cho biết, các địa phương có biển tại nước ta muốn phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế “mũi nhọn" nhưng thiếu nhân lực, chưa biết cách thức tổ chức, thiếu kinh phí… Vì thiếu nhiều yếu tố quan trọng nên sản phẩm du lịch biển còn quá đơn điệu, cạnh tranh nhau trên cùng một sản phẩm, vòng đời sản phẩm ngắn. Các công ty du lịch chỉ khai thác những giá trị thu hồi vốn nhanh như xây dựng khu nghỉ dưỡng mà thiếu những đầu tư mang tính lâu dài: văn hóa Việt Nam tại các vùng biển, cảnh quan và giá trị sinh học của vùng biển và ven bờ… Bên cạnh đó, trong 5 đường vận chuyển: hàng không, đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, Việt Nam chỉ làm tốt đường hàng không, đường bộ, thiếu những cảng biển du lịch, dịch vụ để khai thác khách du lịch quốc tế đến từ các tàu 5 sao.
Ngoài ra, ông Trương Kỉnh - Đại diện Ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang nhấn mạnh, hiện nay quy hoạch biển về bảo tồn và khai thác chưa rõ ràng, làm cho hoạt động du lịch tác động đến cảnh quan và môi trường. Công tác hỗ trợ của các doanh nghiệp khai thác du lịch biển với cộng đồng còn sơ sài. Chủ trương và chính sách về khai thác và hỗ trợ của ngành du lịch với các khu bảo tồn biển chưa được chú trọng. Điều này sẽ làm tổn hại cũng như giảm hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch biển đảo của Việt Nam.
Bảo tồn, nâng cao sức hút cho du lịch biển đảo
Việt Nam hiện có 6 khu bảo tồn biển: Cù lao Câu (Bình Thuận), Núi Chúa (Ninh Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang, Cù lao Chàm (Quảng Nam) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). Bảo tồn không phải là “cất giữ” mà là tổ chức và khai thác theo hướng bền vững những giá trị hợp lý phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương và cuộc sống người dân, nhu cầu thụ hưởng giá trị du lịch của du khách… Bảo tồn sẽ giúp chúng ta khai thác tiềm năng du lịch một cách lâu dài, ổn định. Bên cạnh đó, việc đảm bảo yếu tố xanh, sạch cho các vùng biển, đảo cũng là một trong những giải pháp nâng cao sức hút cho du lịch biển đảo tại nước ta. Bà Thu Hiền, Công ty du lịch Hoàn Mỹ cho biết, du khách quốc tế đánh giá rất cao về du lịch biển Việt Nam song họ cũng đòi hỏi biển Việt Nam phải sạch, thân thiện môi trường…Nếu đáp ứng được yếu tố này bên cạnh các vấn đề khác thì Việt Nam có thể vượt Bali - Indonesia trong phát triển du lịch biển đảo.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó giám đốc Công ty du lịch Đồng Thuận (Ninh Thuận) thì cho rằng, khi giới thiệu những giá trị văn hóa nên chọn lọc những giá trị đã được tuyển chọn, không nên giới thiệu những giá trị quá thô mộc vì khách sẽ khó hiểu; Quan tâm đến cuộc sống cộng đồng ngư dân ven biển, “văn hóa trên bờ biển” các lễ hội,… trong khai thác và phát triển du lịch biển; Bảo tồn các rạn san hô và nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo tồn tiềm năng du lịch biển, đảo.
Ngoài ra, biết kết hợp giữa các nguồn tài nguyên cũng góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và nâng cao vị thế du lịch Việt Nam. Theo ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc công ty du lịch Thế hệ trẻ, cần kết hợp biển-rừng trong khai thác du lịch. Nhiều khách du lịch sau khi đến biển là tìm về rừng. Điển hình thành công là Đà Nẵng khi biết kết hợp giữa rừng – Bà Nà, và biển - Sơn Trà trong khai thác và bảo tồn tiềm năng du lịch nên lượng du khách đến Đà Nẵng ngày một nhiều hơn và kéo dài thời gian lưu trú./.
Nguồn : VEN