Tổ Quốc-Để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tương ứng với tiềm năng của mình, việc cởi trói cho dòng vốn nước ngoài từ việc nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hàng không được coi là một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng.
Tăng trưởng du lịch có sự đóng góp không nhỏ của hàng không
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), ngành hàng
không đang đóng vai trò thiết yếu đối với kinh tế Việt Nam bởi đây không
chỉ là ngành công nghiệp có khả năng xúc tiến thương mại, du lịch cũng
như tạo điều kiện mật thiết cho việc lưu chuyển vốn và công nghệ, mà còn
là yếu tố then chốt để kiến tạo các cơ hội tiếp cận các thị trường mới
và các thị trường nhiều tiềm năng.
Tuy vậy thực tế, Việt Nam vẫn là quốc gia tiếp nhận số lượng du khách
nước ngoài khá thấp là 12 triệu lượt khách, tức là quốc gia ASEAN có
lượng khách quốc tế gần như thấp nhất trong khi hơn 84% lượng du khách
này sử dụng hàng không là phương tiện di chuyển đến Việt Nam.
Chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn
Tính toán của Hội đồng tư vấn Du lịch cho hay, đa phần lượng khách đến Việt Nam khởi hành từ các quốc gia không nằm trong khối.
“Với những thế mạnh vượt trội về cảnh quan và điểm đến du lịch hấp
dẫn du khách nếu mạng lưới chung chuyển du khách qua đường hàng không
được tăng cường thì một điều chắc chắn là du lịch Việt Nam sẽ không thua
kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực”- Đại diện Hội đồng tư vấn Du
lịch cho hay.
Mặc khác, số lượng khách di chuyển trong khu vực ASEAN đến Việt Nam
cũng tăng trưởng mạnh trong thập kỷ qua đặc biệt là nhóm khách du lịch.
Và các yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc này là sự tăng
trưởng về số lượng hãng hàng không giá rẻ tham gia thị trường Việt Nam;
Sự tăng trưởng về số lượng đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam (125
đường bay mới trong vòng 5 năm qua) và các hãng hàng không giá rẻ tạo ra
cơ hội vận chuyển với chi phí thấp đáng kể.
Một con số đáng lưu ý khác khi Ban IV đưa ra, đó là, năm tài khoá
2017, ngành du lịch Việt Nam đóng góp 20 tỷ đô la Mỹ vào tổng thu nhập
quốc nội và hơn 4 triệu công ăn việc làm mới cho nền kinh tế.
Với đà này, đến năm 2028, ngành du lịch dự kiến sẽ mang lại 4,8 triệu
công ăn việc làm mới và đóng góp 40 tỷ đô la Mỹ vào tổng thu nhập quốc
nội.
Bên cạnh đó khi Việt Nam trở thành điểm kết nối hàng không quan trọng
trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ có mức tăng trưởng xuất
khẩu lên tới 37 tỷ đô la Mỹ và tăng trưởng đầu tư nước ngoài lên đến 11
tỷ đô la Mỹ.
“Để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tương ứng với tiềm năng của
mình, việc cởi trói cho dòng vốn nước ngoài từ việc nâng sở hữu của nhà
đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp hàng không được coi là một trong
những điều kiện đặc biệt quan trọng”- Một báo cáo mới đây của Ban IV cho
hay.
Cần vốn để tăng trưởng đội bay từ 164 lên 1.150 máy bay
Các tính toán cho hay, ngành hàng không và các cơ sở hạ tầng phục vụ
ngành được đầu tư thoả đáng thì số lượng khách chung chuyển qua đường
hàng không có thể tăng trưởng đến mức 288 triệu lượt khách vào năm 2037.
Điều này có nghĩa là trong vòng 20 năm sẽ có thêm 231 triệu lượt
khách tương ứng với đội máy bay lên tới 1.150 chiếc vào năm 2037.
Trong khi thực tế, tổng số lượng máy bay đang phục vụ thị trường Việt Nam vỏn vẹn chỉ có 164 chiếc.
Cũng theo Ban IV, lượng vốn cần để tăng trưởng đội bay từ 164 máy bay
lên 1.150 máy bay là cực kỳ lớn. Ngành hàng không Việt Nam sẽ cần 80 tỷ
đô la Mỹ trong 20 năm tới để đầu tư vào đội bay và các cơ sở vật chất
tương ứng.
Tuy nhiên, theo Ban IV, quy định mức tối đa tỷ lệ sở hữu nước ngoài
trong các hãng hàng không của Việt Nam đang là nhân tố gây cản trở đáng
kể khiến các hãng hàng không ở Việt Nam không thể có được vị thế cạnh
tranh ngang bằng với các hãng hàng không trong khu vực ASEAN.
Trong một thời gian dài mức tối đa tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các
hãng hàng không Việt Nam thấp hơn nhiều các nước trong khu vực.
Hệ quả trực tiếp của khác biệt này là khả năng tiếp cận nguồn vốn
ngoại của các hãng hàng không Việt Nam bị hạn chế đáng kể trong khi nhu
cầu tăng trưởng lại quá lớn.
Các chuyên gia của Ban IV cho rằng, để hỗ trợ tối đa mô hình kinh
doanh đòi hỏi mức đầu tư lớn như hàng không, Việt Nam cần tạo điều kiện
cho các hãng hàng không tiếp tục mở rộng hoạt động.
“Các quan niệm truyền thống về bảo hộ hãng hàng không quốc gia hay
quan ngại về an ninh quốc gia là những vấn đề có thể xử lý thông qua các
hình thức không liên quan đến mức sở hữu trong doanh nghiệp. Trên cơ sở
đó nhiều nước đã thay đổi các quy định cũ để có thể thu hút ngồn vốn
nước ngoài”- Báo cáo cho biết./.
Thái Linh