Từ xa xưa, chợ tình Sapa đã là một nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc ở vùng Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nước ta nói chung.
Chợ thường được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần tại quảng trường nhà thờ thị trấn, là nơi để các chàng trai, cô gái từ các bản làng xa xôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu tình cảm với nhau thông qua những điệu khèn lá, những màn múa hát giao duyên. Tuy nhiên, những năm gần đây, chợ tình Sapa dường như đã bị “thương mại hóa” đi nhiều. Cuộc sống hiện đại đã làm cho chợ tình mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.
Từng là đêm hội rực rỡ sắc màu giữa đại ngàn
Khác với chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La) được tổ chức mỗi năm một lần, chợ tình Sapa diễn ra thường xuyên vào tối thứ 7 hàng tuần.
Cái tên chợ tình có thể là do khách du lịch đặt cho vào những năm đầu của thế kỷ 90. Gọi là chợ thì ở đó phải có người mua, kẻ bán. Nhưng cái tình ở đây không ai bán, cũng chẳng ai mua. Mà chỉ đơn giản là do những người yêu nhau lấy chợ làm nơi hò hẹn. Bởi vậy, nôm na có thể hiểu chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, cử chỉ yêu thương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tùy từng địa phương. Cũng dễ hiểu vì đối với đồng bào dân tộc vùng cao, chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hóa.
Chợ tình được họp vào tối thứ 7 tại quảng trường nhà thờ thị trấn. Thị trấn nhỏ bé này nằm lọt trong một vùng khí hậu mát mẻ quanh năm, cũng có những năm mùa đông tuyết rơi, thật lãng mạn cho những người đang yêu. Dưới phố và ở sân nhà thờ đã thấy nhiều phụ nữ đầu quấn khăn đỏ và mặc trang phục thêu hoa văn lộng lẫy cùng với vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo. Hấp dẫn hơn nữa là có những tiếng reo theo mỗi bước chân, từ những chùm lục lạc đồng xinh xắn đính trên những chiếc khăn choàng đầu. Trước cổng nhà thờ đá, một nhóm gần mười chàng trai trong trang phục dân tộc đang vuốt lại bộ trang phục, chỉnh sửa lại khèn mà mình mang theo.
Rồi trời cũng tối, Sapa đã chìm trong lớp sương mù dầy đặc và giá lạnh, những ngả đường đổ về khu vực nhà thờ trở nên đông vui, tấp nập hơn bao giờ hết. Và cũng đến lúc của vũ khúc núi rừng. Âm thanh phát ra từ chiếc khèn ngọt lịm, những chàng trai, cô gái bước vào giờ khai hội bằng những điệu nhảy không lệch một dấu chân. Tiếng khèn như những âm thanh gọi mời, lúc trầm lúc bổng, làm vang lên cả một góc chợ trước mặt nhà thờ.
Rất nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài bị thu hút bởi tiếng khèn của các chàng trai mà kéo về khu vực trung tâm để xem. Ai cũng cố len người vào để được tận mắt thấy các chàng trai, cô gái thể hiện tài năng và hát giao duyên với nhau.
Anh Giàng A Thạch - một thanh niên ở Tả Phìn vượt qua chặng đường gần 10km đã đến đây từ chiều. Anh tâm sự bằng một giọng tiếng Kinh chưa thuần thục: “Con trai ở Tả Phìn đều biết thổi khèn từ khi còn nhỏ, muốn có vợ thì chân phải nhảy, mồm phải thổi những giai điệu hay để tỏ tình”.
Khi chợ tình bị “thương mại hóa”
Hầu hết các du khách trong và ngoài nước đến Sapa đều mong muốn được tận mắt chứng kiến chợ tình - nơi giao duyên của những chàng trai, cô gái dân tộc. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nét đẹp văn hóa của chợ tình đang bị mất dần.
Chợ tình giờ chỉ xuất hiện trong những dịp lễ hội lớn, khi ngành văn hóa, du lịch tỉnh tổ chức, nhưng đó là chợ tình theo dạng hoạt cảnh. Khi có đoàn du khách nào có nhu cầu tham quan chợ tình thì hướng dẫn viên du lịch sẽ liên hệ với những cặp người dân tộc đến múa hát giao duyên.
Còn tối thứ bảy hằng tuần, tuy tại khu nhà thờ vẫn đông đúc tấp nập, nhưng chủ yếu là người dân tộc Kinh và khách du lịch. Dọc hai bên đường là những hàng bán khoai, sắn, mía nướng và cả lòng lợn nướng. Khách đến chủ yếu là để nhậu và hàn huyên.
Phải đến tận khuya mới có vài tốp thanh niên đến tập trung thổi khèn và nhảy múa. Và rồi, cứ sau mỗi đợt biểu diễn, chiếc mũ thổ cẩm trên đầu các chàng trai trở thành công cụ “làm kinh tế” hiệu quả. Con gái vùng cao cũng không còn vẻ e thẹn vốn có. Giữa đông người lạ, việc cầm ô quay vòng theo bước đi của chàng trai thổi khèn cũng thực hiện qua loa. Những sơn nữ này không còn dị ứng với ánh đèn máy ảnh, họ hồn nhiên quay mặt và chỉ đồng ý cho chụp hình nếu khách bỏ tiền mua vài món hàng lưu niệm mà họ mang theo.
Khách phương xa háo hức trông đợi chợ tình, họ không nuối tiếc thời gian khi bỏ những điểm ngao du khác để tận mắt xem sinh hoạt văn hoá đầy ý nghĩa của người dân Tây Bắc. Nhưng ai cũng thất vọng, nhiều người còn nuối tiếc khi tiếng khèn, vòng quay chiếc ô, bước chân uyển chuyển ở chợ tình chỉ là “động tác giả”. Nhiều người buột miệng nói ngụ ý rằng trai gái bản “chỉ là giả vờ “tán” nhau thôi”. Phải thừa nhận, ở đâu có trai, gái bản thổi khèn, quay ô là ở đó đông đặc người xem. “Đến chợ tình lần này, tôi chỉ chứng kiến tổ hợp văn nghệ của huyện biểu diễn”, một du khách đã thốt lên ngao ngán như vậy.
Còn người dân thị trấn Sa Pa không ngạc nhiên vì điều đó. Họ giải thích: “Chợ tình bị thương mại hoá lâu rồi”.
Giờ đây, hình ảnh những chàng trai Mông, Dao thổi những khúc nhạc say đắm, những cô gái e thẹn, thả hồn vào những điệu múa xoay tròn với chiếc ô, tạo nên một bản hòa tấu hoàn hảo cho những người yêu nhau đã trở thành một hình ảnh hiếm gặp, có lẽ chỉ còn sót lại đâu đó tại núi rừng này. Chợ tình bây giờ chỉ là sự tấp nập của cảnh mua bán, của những quán ăn ven đường và của những màn múa hát giao duyên bị tính thương mại lấn át.
Chị Hoa, một du khách người Kinh chia sẻ: “Tôi đã lên Sapa 3 lần rồi, lần nào cũng chỉ mong được tận mắt chứng kiến đêm chợ tình “thật sự”. Nhưng rồi cũng thấy tiếc quá, vì chưa lần nào được gặp! Có chăng chỉ là những màn biểu diễn qua loa khi có buổi sinh hoạt văn hóa do tỉnh tổ chức!”
Đây có lẽ là tâm sự chung của những du khách khi thấy nét văn hóa độc đáo của mảnh đất này dường như đang mất dần đi. Nguyên nhân của việc này theo những người dân thị trấn nói thì phần vì sự “hiện đại hóa” đã dần len lỏi lên núi rừng Tây Bắc này, khiến cho những chàng trai, cô gái coi nét văn hóa đẹp này trở thành công cụ kiếm tiền. Một phần nữa cũng vì các cơ quan chức năng cũng đã chưa thật sự quan tâm, tổ chức bảo tồn hoạt động văn hóa này.
Nguồn : quehuongpnline