Kỳ họp Hội đồng Chấp hành 204 của UNESCO được tổ chức tại
Paris, Pháp từ ngày 4-17/4 có sự tham gia của Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại
giao Lê Hoài Trung dẫn đầu. Tại đây, ngày 12/4, UNESCO đã xem xét thông qua và
chính thức công nhận các CVĐC mới, trong đó có CVĐC non nước Cao Bằng.
Danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO là danh hiệu quan trọng của
UNESCO trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Để đạt được danh hiệu này, CVĐC phải đảm
bảo là một không gian địa lý lưu giữ di sản địa chất quan trọng ở quy mô thế giới.
Di sản này cho phép biết được các biến động địa chất của Trái đất, những nguy
cơ về núi lửa, động đất, sóng thần… giúp đề ra các biện pháp giảm thiểu hậu quả.
CVĐC Toàn cầu UNESCO còn lưu giữ những yếu tố liên quan tới biến đổi khí hậu thời
gian qua, giúp cộng đồng chú ý tới việc bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài
nguyên…
Chủ động lên kế hoạch
Cao Bằng nổi tiếng là xứ sở của các hang động, trong đó đa số
phát triển ngang, dài và rộng, cùng với hệ thống nhũ, măng, cột, rèm, riềm đá…
vô cùng đồ sộ, phong phú, đẹp mắt, hầu hết đang được bảo tồn tốt.
Từ tháng 11/2015, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia (UBQG)
UNESCO đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng về kế hoạch triển khai xây
dựng công viên địa chất của tỉnh hướng tới đệ trình CVĐCTC UNESCO.
Nhìn ra tiềm năng sẵn có của địa phương, Cao Bằng đã lên kế
hoạch chinh phục danh hiệu UNESCO với mục tiêu tạo ra những cơ hội lớn vừa bảo
vệ được môi trường, thiên nhiên, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương một cách bền vững, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực du lịch như: du lịch
sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.
Bắt tay vào triển khai kế hoạch, Cao Bằng quy hoạch một CVĐC
Toàn cầu tương lai với diện tích hơn 3.000km2, bao gồm 9 huyện (Hà Quảng, Hòa
An, Nguyên Bình, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch
An) với 130 điểm di sản địa chất độc đáo có giá trị quốc tế. Trong đó có 1 khu
bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2
hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và
phi vật thể…
Đầu mối quốc gia về CVĐC - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng
sản (KHĐC&KS), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức khảo sát thực địa
nghiên cứu sơ bộ những khu vực có tiềm năng xây dựng CVĐCTC UNESCO. Trên cơ sở
kết quả hai đợt khảo sát, tỉnh Cao Bằng đã mời Viện Khoa học Địa chất và Khoáng
sản tư vấn, hỗ trợ thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC. Bên cạnh đó, Cao Bằng
cũng đã mời chuyên gia UNESCO tư vấn xây dựng hồ sơ CVĐC Cao Bằng.
Tháng 11/2016, UBQG UNESCO Việt Nam đã trình UNESCO xét duyệt
hồ sơ CVĐC non nước Cao Bằng.
Tháng 7/2017, UNESCO đã cử chuyên gia vào Việt Nam để thẩm định
tại chỗ hồ sơ CVĐC non nước Cao Bằng. Qua quá trình khảo sát thực tế dựa trên
các tiêu chí của CVĐC Toàn cầu, đoàn chuyên gia đều thống nhất ý kiến CVĐC non
nước tỉnh Cao Bằng có tiềm năng lớn về di sản, địa chất, văn hóa, đa dạng sinh
học, đáp ứng tiêu chí CVĐC Toàn cầu UNESCO.
Tháng 9/2017, Hội đồng Công viên địa chất UNESCO-cơ quan đầu
mối tiếp nhận đề cử họp tại Quý Châu, Trung Quốc đã xem xét và đánh giá hồ sơ
CVĐC Non Nước Cao Bằng đáp ứng được các tiêu chí CVĐC Toàn Cầu UNESCO và khuyến
nghị Hội đồng chấp hành UNESCO chấp thuận danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO đối với
CVĐC Non Nước Cao Bằng.
Bước cuối cùng để chạm tới thành công đã đến. Kỳ họp Hội đồng
Chấp hành 204 được tổ chức tại Paris, Pháp chính là thời điểm quan trọng vinh
danh thêm một di sản Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới.
Sẽ là điểm đến của thế giới
Theo các nhà nghiên cứu, CVĐC non nước Cao Bằng có những nét
hoàn toàn khác biệt. Quá trình karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của miền
núi đá vôi) trên Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu còn đang ở giai đoạn trẻ thì ở
Cao Bằng đã ở giai đoạn “trưởng thành” và “già”. Quá trình karst hóa sâu rộng
đã sản sinh ra nhiều diện tích đất màu mỡ, phì nhiêu, cộng với điều kiện khí hậu
khá ôn hòa, ít xảy ra thiên tai, hạn hán, lụt lội, sạt lở…
Nhiều điểm di sản địa chất (DSĐC) có giá trị đã được chuyên
gia UNESCO xác định là: Đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên: Ranh giới kiến tạo giữa
hai đới cấu trúc Hạ Lang ở phía Đông Bắc và Sông Hiến ở Tây Nam; Hồ Thang Hen
(huyện Trà Lĩnh), hang luồn, địa hình karst sót dạng tháp, chóp xen kẽ chuỗi
thung lũng karst; Cao nguyên karst, cảnh quan karst già ở khu vực Lục Khu huyện
Hà Quảng; Bazan cầu gối đèo Mã Phục; Cảnh quan karst già; Dịch trượt bằng ở huyện
Quảng Uyên; Mặt cắt Neogen chứa than tại thành phố Cao Bằng, thị trấn Nước Hai
(huyện Hòa An); Hang Pác Bó, khối karst trẻ dạng chóp, hình thang, thung lũng
chữ V, vách đứt gãy... ở khối karst Lục Khu (huyện Hà Quảng); Hang luồn, cánh đồng
karst ở Hồng Định, huyện Quảng Uyên; Thung lũng treo điển hình, ngấn nước cổ
trên vách đá vôi ở huyện Thông Nông... Trong đó, hai giá trị Di sát địa chất của
CVĐC non nước Cao Bằng có ý nghĩa quốc tế đã được công nhận từ Liên hiệp Khoa học
Địa chất Quốc tế (IUGS – International Union of Geological Sciences), đó
là Vết đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên và các trầm tích được hình thành cách đây hơn
500 triệu năm - bằng chứng cho sự kiện tuyệt chủng sinh quyển.
Có thể thấy, CVĐC non nước Cao Bằng là miền đất hiếm có, nơi
khách du lịch không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới có thể tìm hiểu lịch sử trên
500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây.
Ở Cao Bằng còn tồn tại sự giao thoa văn hóa của 8 dân tộc
(Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh, Hoa), mỗi dân tộc đều có những di
sản văn hóa truyền thống độc đáo riêng. Bên cạnh đó là rất nhiều di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có
Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm
1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di
tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên
Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội
Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Những nét đặc biệt riêng có về thiên nhiên hoà trong
môi trường văn hóa đa dạng cộng với sự chủ động khai thác có kế hoạch từ phía
chính quyền chính là những nguồn lực quý giá giúp địa phương khai thác tiềm
năng trong phát triển du lịch.
Theo baoquocte