Lễ hội “Co Sầu” xuân Mậu Tuất năm 2018. (Ảnh: baocaobang)
Tại Bắc Giang: Ngày 31/3, Ủy ban Nhân dân huyện Việt
Yên, tỉnh Bắc Giang tổ chức khai hội truyền thống chùa Bổ Đà năm 2018,
đồng thời đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mộc bản
tại chùa Bổ Đà là bảo vật quốc gia.
Lễ hội chùa Bổ Đà diễn ra từ ngày 15 – 18/2 Âm lịch với nhiều nghi thức
tế lễ trang nghiêm, thành kính và là dịp để các liền anh, liền chị quan
họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Ánh
Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã trao Quyết định công nhận Mộc
bản chùa Bổ Đà là Bảo vật quốc gia cho lãnh đạo huyện Việt Yên, xã Tiên
Sơn và trụ trì chùa Bổ Đà.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động tại lễ hội chùa Bổ Đà, chiều 31/3,
UBND huyện Việt Yên tổ chức khai mạc Liên hoan hát quan họ lần thứ XVIII
năm 2018. Liên hoan có sự tham dự của trên 700 liền anh, liền chị đến
từ 50 đội văn nghệ, CLB quan họ thuộc 19 xã, thị trấn trong huyện (tăng
10 đội, CLB so với năm 2017). Một số thôn, khu phố có phong trào hát dân
ca quan họ mạnh như: Thổ Hà, Tam Tầng, Hữu Nghi, Nội Ninh, thị trấn
Nếnh… Với 200 tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca, các liền anh, liền chị
mang đến cho khán giả nhiều làn điệu dân ca quan họ cổ, đậm đà bản sắc
văn hóa dân tộc.
Tại Hà Giang: Trong các ngày 30 – 31/3 (tức ngày 14 và
15/2 âm lịch), thành phố Hà Giang đã tổ chức Lễ hội Đền Xuân Mậu Tuất
năm 2018. Lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá hình ảnh và những nét văn hóa
độc đáo của quê hương Hà Giang nói chung và thành phố Hà Giang nói riêng
với bạn bè, du khách thập phương; góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa
vật thể, phi vật thể của dân tộc. Đồng thời, phát triển đa dạng các loại
hình dịch vụ, du lịch gắn với lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống; đẩy
mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn
minh”, hăng hái thi đua lao động sản xuất, cùng chung tay xây dựng thành
phố Hà Giang ngày càng phát triển.
Tại Cao Bằng: Ngày 31/3, UBND thị trấn Trùng Khánh tổ
chức Lễ hội “Co Sầu” xuân Mậu Tuất năm 2018. Lễ hội Co Sầu gắn với Di
tích lịch sử đền Quan Thánh được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công lao
của các tiền bối đã có công khai phá, mở mang, xây dựng và bảo vệ sự
bình yên cho phố Co Sầu (tên cổ xưa của thị trấn Trùng Khánh); với mong
muốn cầu mưa thuận gió hòa, nhà nhà bình yên, no ấm, hạnh phúc, từ đó
giáo dục đạo lý làm người cho con cháu muôn đời sau.
Đến với lễ hội, nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh và khách thập
phương có dịp gặp gỡ, giao lưu các làn điệu dân ca, sli, lượn, Dá hai,
Pựt lằn, Hà lều… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tham quan và thưởng
thức các gian hàng ẩm thực truyền thống độc đáo, giao lưu các môn thể
thao tạo không khí sôi nổi và đoàn kết...
Tại Thái Nguyên: Trong hai ngày 30 và 31/3 (tức ngày 14
và 15/2 năm Mậu Tuất), chùa Vinh Sơn thuộc xóm Cẩm Trà, xã Trung Thành
(T.X Phổ Yên) đã tổ chức Lễ hội truyền thống xuân Mậu Tuất 2018. Lễ hội
truyền thống chùa Vinh Sơn được tổ chức với phần lễ rước nước từ giếng
Ngọc về chùa, lễ cúng Tổ và Thành hoàng làng. Cùng với đó, phần hội sẽ
được diễn ra với các trò chơi dân gian như: cờ tướng, chọi gà, đập niêu,
đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố…
Lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những giá trị giáo lý nhà
Phật, phát huy và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng
thời đây cũng là dịp để nhân dân trong vùng cầu một năm an lành, hạnh
phúc, cuộc sống no đủ, từ đó tăng cường tình đoàn kết, chung tay xây
dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Anh Vũ (Tổng hợp)