Tại Bình Định: Ngày
1/4, tại làng chài ở thôn Bình Thái, thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy
Phước, lễ hội Câu ngư do UBND xã Phước Thuận và bà con nhân dân địa
phương tổ chức diễn ra tưng bừng náo nhiệt. Đây là hoạt động vừa mang
tính văn hóa truyền thống vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho Vạn nghề
ngư dân ven Đầm Thị Nại ở tỉnh Bình Định nói chung và Ngư dân xã Phước
Thuận, huyện Tuy Phước nói riêng. Lễ hội cầu ngư thôn Bình Thái xã Phước
Thuận năm nay được tổ chức trang trọng. Ngoài phần lễ, phần hội có
chương trình hát múa Bả Trạo, thể hiện sinh hoạt, lao động của ngư dân
qua các đoạn múa chèo thuyền, kéo lưới…
Cùng ngày, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP Quy Nhơn
đã khai mạc lớp tập huấn hô hát bài chòi dân gian cho học sinh các
trường THCS trên địa bàn. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị, hỗ trợ để các
trường tham gia Liên hoan diễn xướng bài chòi dân gian học sinh THCS TP
Quy Nhơn lần thứ I, do Trung tâm VHTTTT cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo
TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức, dự kiến vào cuối tháng 4/2018. Tham gia
tập huấn có khoảng 130 học sinh đến từ 16 trường (thuộc 16 phường).
Riêng học sinh 5 trường THCS của 5 xã Phước Mỹ, Nhơn Châu, Nhơn Hải,
Nhơn Hội, Nhơn Lý.
Tại Đà Nẵng: Ngày 1/4, Trung tâm Tổ chức Sự kiện - Lễ
hội Đà Nẵng phối hợp với Câu lạc bộ Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng thực hiện không
gian sắp đặt chong chóng nghệ thuật với chủ đề “Mùa bình minh” tại
đường Trần Hưng Đạo, phía Bắc cầu Sông Hàn. Theo đó, hàng ngàn chong
chóng đa sắc màu được sắp đặt theo hình vòng xoáy trôn ốc hướng vào tâm
một đường tròn lớn. Tất cả tạo nên hiệu ứng bay bổng, lãng mạn và siêu
thực. Ý tưởng xuyên suốt trong tác phẩm sắp đặt này là sức hút mạnh mẽ
của vùng đất Đà Nẵng đang phát triển và tạo ra những giá trị mới. Đây
cũng là sự kiện nhằm đưa loại hình nghệ thuật thị giác gần gũi hơn với
công chúng và góp phần làm phong phú hoạt động lễ hội hai bên bờ sông
Hàn.
Cũng tại Đà Nẵng: Ngày 1/4, UBND quận Sơn Trà khai mạc
lễ hội cầu ngư năm 2018.
Lễ hội cầu ngư gồm 2 phần. Phần lễ được phục dựng đúng theo truyền
thống, gồm lễ nghinh thần, lễ tế âm linh, Lễ tế chánh cầu ngư… nhằm thể
hiện lòng tôn kính với vị thần của biển cả, là dịp để cộng đồng ngư dân
tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, thắt chặt tình đoàn kết của ngư
dân vùng biển. Phần hội là những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính
cộng đồng, phù hợp với cư dân vùng biển, như hát tuồng, hô hát bài chòi,
ca nhạc, thi âm thực, kéo co, ngoáy thúng, đan lưới, gánh cá, bóng
chuyền bãi biển …
Tại Phú Yên: Ngày 1/4, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao
Biển biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Phú Yên
(1/4/1975-1/4/2018). Chương trình tái hiện một thời hoa lửa đầy gian lao
song cũng rất đỗi tự hào qua các tiết mục: hát múa Trống trận đường Năm
(Tố Hải), Hạt gạo Tuy Hòa (Văn Chừng), liên khúc Bài ca may áo, Gửi anh
chiếc mũ tai bèo, Bài ca nữ đội pháo binh Phú Yên (Xuân Hồng, Phạm Tuấn
Khoa, Vũ Trung Uyên),… Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật còn có
những tiết mục đầy ắp tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo: song ca Tuy
Hòa thành phố tôi yêu (Duy Tài), bài chòi Vịnh cảnh Phú Yên (Bình
Thảng), hát múa Về Phú Yên (Dương Thụ),…
Cùng ngày, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khai mạc Trại sáng tác Mỹ thuật.
Với chủ đề “Phú Yên vận hội mới”, Trại sáng tác Mỹ thuật diễn ra từ ngày
1-12/4, thu hút 30 hội viên Chi hội Mỹ thuật tham gia. Đây là trại sáng
tác đầu tiên do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở trong năm 2018. Qua đó
nhằm truyền lửa để anh em họa sĩ hào hứng sáng tác, đặc biệt là khai
thác đề tài về sự khởi sắc, những vận hội mới của quê hương Phú Yên. Tổ
chức Trại sáng tác Mỹ thuật, Hội muốn có bước chuẩn bị chu đáo cho Triển
lãm Mỹ thuật khu vực Nam Miền Trung - Tây Nguyên sẽ diễn ra vào tháng 8
tới, do Phú Yên đăng cai tổ chức.
Lan Phạm (t/h)