LÂM ĐỒNGThị trấn D'ran, cách Đà Lạt khoảng 20km về hướng nam, nép mình êm ả bên hồ Đa Nhim.
Không xinh đẹp nổi bật như Đà Lạt hay thơ mộng kiểu B'Lao, D'ran còn chút hoang sơ của núi đồi với những căn nhà gỗ thông xưa cũ, những vườn hồng mộng mơ và làn gió lành lạnh mang đến cảm giác yên bình, nhẹ nhàng cho lữ khách ghé qua.
Thị trấn bình yên lưu dấu những công trình gắn với lịch sử ban sơ hình thành Đà Lạt như: cầu sắt D'ran, nhà ga tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, con đèo Ngoạn Mục có vẻ đẹp giống như tên gọi.
Thị trấn D'ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn là nơi vắng bóng du khách, êm ả nép mình bên hồ Đa Nhim. Nếu là người yêu thích sự yên bình, nét hoài cổ lãng mạn thì thị trấn lưng đèo này xứng đáng dành ra một vài ngày để dạo chơi.
Đến D’ran, hãy thử vào những ngôi nhà gỗ nằm giữa rừng thông kế bên dòng suối để thả mình giữa sự tĩnh lặng yên bình của gió, của thông và khí trời lành lạnh của xứ cao nguyên.
"Ngôi nhà này 50 năm rồi", người chủ nhà mà tôi có dịp ghé thăm tại D’ran, nói. Ông thư thả nhâm nhi chén trà trong tay, xung quanh là tiếng chim bạc má đang huýt gió trong những chiếc lồng mây. Phía trước mặt, một khu vườn với nhiều loại cây, hoa lan, cây chanh, cây tắc, đặc biệt là vườn cà phê xen canh với vườn hồng đang trổ hoa đợi mùa ra trái. Nơi đây đem đến sự bình yên, hoài cổ và man mác buồn, đủ để khơi dậy cảm hứng cho những tâm hồn xao động. Một khung cảnh nên thơ giữa rẫy rừng đúng nghĩa khiến tôi nao lòng khi lần đầu đặt chân đến đây.
Cách đó vài bước chân là vườn hồng, với những cành hồng trụi lá, nặng trĩu những quả hồng đỏ tươi mọng nước. Gần đó, tiếng róc rách của con suối đổ từ thượng nguồn, vào mùa nước nhiều chỉ cần dùng rỗ vớt thôi đã có đủ tôm, cá cho một bữa ăn "hoành tráng".
Người dân D'ran sống chủ yếu bằng nghề trồng hồng, và những sản vật nông nghiệp đặc trưng của xứ lạnh như su su, cà chua, đậu đũa. Nếu có dịp, hãy thử trải nghiệm xin ở nhờ nhà một người dân địa phương tại đây, bạn sẽ bất ngờ trước sự hiếu khách của họ.
Không xinh đẹp nổi bật như Đà Lạt hay thơ mộng như B’Lao, Dran còn chút hoang sơ của núi đồi, của những ngọn lau trắng bạt ngàn, làn gió lành lạnh mang đến cho người ghé thăm cảm giác thư thái.
Tôi có dịp ghé lại D'ran sau 4 năm, con đường đi vào bây giờ đã được đắp xi măng với những hàng su su, cà chua hai bên, cô học trò năm nào cũng đã là mẹ 2 con. Nhưng chỉ duy nhất tình thân năm ấy vẫn còn, vẫn nụ cười, ánh mắt tiếp đón khách đường xa của 4 năm trước hiện về.
Bạn có thể đến thị trấn Dran bằng nhiều cách. Nếu ở Đà Lạt có thể đến đây bằng đường bộ theo hướng về Trại Mát, Cầu Đất và vượt đèo D'ran. Đây là cung đường đẹp bậc nhất vùng ngoại ô Đà Lạt. Từ trên đèo, bạn sẽ có được cái nhìn toàn cảnh thị trấn và hồ Đa Nhim – một sự kết hợp tuyệt vời giữa non xanh, nước biếc và mây trời tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình.
Nếu thích khám phá và thử một chút cảm giác phiêu lưu, đừng quên ghé qua con đường hầm đầy ‘ma mị’ nằm ngay bên một con đường giữa đèo D'ran khi đi từ hướng Đà Lạt lên. Đó chính là con đường hầm xuyên núi của tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt xưa. Đường hầm này có chiều dài gần 100 mét, ở độ cao khoảng 1.400 mét so với mực nước biển.
Từ TP Phan Rang bạn có thể đi xe máy theo hướng đèo Ngoạn Mục, đồng thời chiêm ngưỡng những cảnh sắc đúng như cái tên của nó. Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Xông Pha nằm sát với thị trấn D’ran, đây là con đèo đẹp đã đi vào thơ ca của Việt Nam, quanh co, uốn lượn như một bức tranh.
Nếu từ TP HCM, bạn có thể đi xe máy hay xe khách theo hướng quốc lộ 20 rồi tới ngã ba Finom thì rẻ phải. Bạn có thể đi máy bay đến sân bay Liên Khương và bắt taxi về D'ran.
Kiều Trinh