TTXVN -- Bạc Liêu là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Bạc Liêu đang trên đà phát triển, phấn đấu trở thành một thành
phố du lịch đẹp và thân thiện, là điểm ưu tiên dừng chân của du khách
khi đến với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Theo định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bên cạnh du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái được Bạc Liêu tập trung, đầu tư khai thác phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vùng đất giàu tiềm năngBạc Liêu có tiềm năng, lợi thế rất lớn để đầu tư, khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái với bờ biển dài 56km cùng các dự án phát triển điện gió rừng phòng hộ; khu du lịch sinh thái: Hồ Nam, Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Cái Cùng (huyện Hòa Bình), ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu)
Chùa Ghositaram - ngôi chùa Khmer đẹp nhất miền Tây Nam bộ, được xây dựng vào năm 1860. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Một số khu du lịch sinh thái và khu bảo tồn thiên nhiên đều nằm gần trung tâm thành phố Bạc Liêu, đồng thời cũng gần các khu du lịch tâm linh thuận tiện cho việc đi lại, tham quan và lưu trú như Vườn chim Bạc Liêu cách trung tâm thành phố khoảng 4km, nằm sát khu du lịch Nhà Mát và khu du lịch Quán Âm Phật Đài. Vườn chim này có lịch sử đây hơn 100 năm, được hình thành bởi sự bồi tụ tự nhiên từ thảm thực vật ven biển Đông, với tổng diện tích 125ha. Ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu cho biết, vườn chim là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích lớn, hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều động vật hoang dã quí hiếm. Đến tham quan, khám phá Vườn chim Bạc Liêu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hơn 100 loài chim, trong đó có 9 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; hơn 180 loài hệ sinh vật của rừng ngập mặn… Bởi thế, các năm 1986 và 2014, Vườn chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6km về hướng Nam, khu du lịch sinh thái vườn nhãn cổ Bạc Liêu ngút ngàn xanh tốt kéo dài trên 10km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) với diện tích 230ha có tuổi thọ trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách thập phương đến tham quan. Anh Nguyễn Ý Nhạc (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Vườn nhãn cổ khá đặc biệt bởi ở đây tập hợp một quần thể những cây nhãn cổ có tuổi thọ trên trăm năm chứ không phải chỉ một hoặc hai cây. Khi đến đây, chúng tôi được thư giãn dưới bóng cây râm mát với những tiếng ca, câu hò đờn ca tài tử, được thưởng thức loại trái cây cũng như món bánh xèo nổi tiếng của vùng đất này”.
Với tính đa dạng sinh học rất cao, vườn chim Bạc Liêu, thuộc xã Hiệp
Thành, cách thành phố Bạc Liêu 6km về phía Nam, đã được công nhận là
Khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1986. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Chị Phan Thị Thùy Trang (quê Ninh Thuận) cũng khẳng định, một số khu du lịch sinh thái tại Bạc Liêu như vườn chim, vườn nhãn cổ, khu điện gió rừng phòng hộ… để lại ấn tượng và hứng thú trong lòng khách du lịch.
Tiềm năng còn bỏ ngỏTuy nhiên, thực tế cho thấy du lịch sinh thái Bạc Liêu chưa khai thác hết lợi thế vốn có. Đầu tiên là thiếu sự đầu tư đúng mức của Nhà nước và nhân dân, nên chưa có nhiều cơ sở đủ chuẩn, hấp dẫn du khách. Điển hình như khu du lịch sinh thái vườn nhãn cổ, hiện nay các gốc nhãn cổ cằn cỗi, năng suất cho trái theo vụ mùa hàng năm ít, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận nông dân nghèo trong khu vực. Ngoài ra, việc dựa vào vườn nhãn để kinh doanh dịch vụ du lịch cho lợi nhuận thấp khiến một số hộ dân tự phát phá bỏ nhãn để làm nhà, mở rộng diện tích để sản xuất trồng hoa màu, chuyển đổi phương thức canh tác nhằm cải thiện đời sống gia đình do quá khó khăn về thu nhập kinh tế hộ gia đình… Do đó, Đề án Bảo tồn vườn nhãn cổ kết hợp phát triển du lịch đang đi đến bờ “phá sản”.
Vườn chim Bạc Liêu, khu du lịch điện gió rừng phòng hộ xét về tổng thể hoạt động chưa hiệu quả. Theo nhận xét của khách du lịch, vườn chim Bạc Liêu muốn xem cảnh chim tập trung nhiều phải chiều tối hoặc sáng sớm, nhưng khu du lịch này này lại ngưng đón khách quá sớm vào chiều tối, cơ sở lưu trú qua đêm lại không có. Khu du lịch điện gió rừng phòng hộ không có dịch vụ du lịch đi kèm, khách ra ngắm trụ điện gió khoảng 10 - 15 phút rồi về, tạo nhiều hụt hẫng và nhàm chán.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch còn tự phát, rời rạc, chưa tạo được tour, tuyến trong và ngoài tỉnh; tính văn minh trong phục vụ khách, tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế; lượng khách đến đông, nhưng thời gian lưu trú không nhiều. Cùng với đó, các sản phẩm quà lưu niệm và tiêu dùng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách đơn điệu, ẩm thực chưa được đầu tư đúng mức, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên chưa mang tính chuyên nghiệp; việc huy động các thành phần kinh tế, cán bộ và nhân dân trong công tác xã hội hoá để phát triển du lịch chưa được quan tâm thỏa đáng…
Xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái đặc thùPhát triển du lịch trong đó có du lịch sinh thái đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bạc Liêu dự kiến đầu tư kinh phí gần 1.350 tỷ đồng. Trong đó, Bạc Liêu sẽ quy hoạch hai khu bảo tồn quốc gia gồm Khu bảo tồn loài và chim cảnh Vườn chim Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu), Khu bảo tồn loài và chim cảnh ấp Canh Điền (huyện Đông Hải); quy hoạch cấp tỉnh gồm rừng ngập mặn ven biển với diện tích gần 4.500 ha, vườn chim ấp Lập Điền (huyện Đông Hải) với diện tích 21 ha, cụm nhãn cổ Bạc Liêu với diện tích hơn 29.000m2, gần 400 cây nhãn cổ gắn với phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nhà dân…
Khu du lịch điện gió Bạc Liêu là điểm du lịch mới của du khách trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Ông Lê Chí Linh, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu cho biết, việc khai thác hoạt động du lịch sẽ thực hiện theo nguyên tắc không làm tác động tiêu cực đến tài nguyên đa dạng sinh học tại vườn chim. Vườn chim sẽ mở một số dịch vụ: đi xe điện, xe đạp xung quanh bờ bao vườn chim; bơi xuồng xuyên qua các kênh mương vườn chim để tham quan; câu cá thư giãn, thưởng thức nhiều món ăn dân dã độc đáo, đậm chất Nam bộ; giao lưu đờn ca tài tử… Dự kiến kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng, phần còn lại sẽ vận động các cá nhân, tập thể tham gia đầu tư. Về lâu dài, Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu sẽ tìm nhà đầu tư có đủ điều kiện và nguồn lực tiến hành lập dự án đầu tư du lịch sinh thái.
Đối với vườn nhãn cổ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu phối hợp với các nhà vườn rà soát lại số lượng nhãn cổ đưa vào danh sách quản lý, chăm sóc và phát triển du lịch; tham mưu lãnh đạo tỉnh tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là cây di sản Việt Nam; đầu tư, hỗ trợ để nhà vườn xây dựng thêm các dịch vụ phục vụ du lịch kèm theo nhằm vừa bảo tồn được nhãn cổ, vừa sống được với cây nhãn.
Chùa Xiêm Cán, thành phố Bạc Liêu được xây dựng vào năm 1887 với nét
kiến trúc Angkor độc đáo, trên khuôn viên rộng tới 50.000 mét 2 với một
quần thể kiến trúc gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng
hài cốt, am… Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương, Bạc Liêu huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển du lịch với phương châm “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch” bằng các chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Một số dự án du lịch sinh thái đang được Bạc Liêu mời gọi đầu tư xây dựng như: khu du lịch sinh thái Cái Cùng (huyện Hòa Bình), ven biển Gành Hào (huyện Đông Hải); khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim (thị xã Giá Rai, huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu), khu du lịch Giồng Nhãn (thành phố Bạc Liêu)...
Bạc Liêu cũng đã tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long khảo sát các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, nhằm thẩm định lại để đánh giá chất lượng hoạt động của điểm du lịch ở các tiêu chí: quy mô, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ kèm theo, lượng khách đến, nguồn nhân lực… Từ đó, tái công nhận các điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long của Bạc Liêu.
Khu nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc trong trung tâm thành phố,
tại số 13, phố Điện Biên Phủ, phường 3. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Để du lịch phát triển xứng tầm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc
Liêu Vương Phương Nam khẳng định, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch
theo hướng đa chiều, vừa đa dạng, phong phú về loại hình, sản phẩm, tuyến điểm
du lịch, vừa xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn của vùng đất,
con người Bạc Liêu. Đồng thời, quan tâm xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến
du lịch cụ thể, nhằm quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài
nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch
cả về mọi mặt, từ trình độ chuyên môn, kỹ năng đến văn hóa ứng xử… góp phần
thúc đẩy phát triển du lịch Bạc Liêu trong giai đoạn mới.
Nhật Bình (theo TTXVN)