Mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng trở thành điểm nóng về đầu tư du lịch. Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư hơn 4 tỷ USD vào lĩnh vực kinh doanh này. Giới nhà giàu cũng không tiếc tiền tậu biệt thự nghỉ dưỡng có giá cả triệu đô la.
Tất cả đều kỳ vọng thu được mối lợi từ kinh doanh du lịch hoặc giá trị bất động sản gia tăng, nếu du lịch Đà Nẵng bùng nổ giống như thiên đường nghỉ dưỡng Bali của Indonesia hay Phuket của Thái Lan.
Và do vậy, không khó nhận thấy đã có sự thay đổi đến chóng mặt của dải bờ biển được coi là quyến rũ nhất hành tinh này. Bất chấp những khó khăn đang đè nặng, một số nhà đầu tư vẫn quyết tâm theo đuổi các dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng tầm cỡ châu Á và thế giới. Mặc cho thị trường bất động sản trong nước đang rơi vào khủng hoảng, để lại những “vết sẹo” loang lổ trên dải bờ biển từ Đà Nẵng đến Hội An với những khu biệt thự nằm mốc meo, những bãi đất hoang vu, trơ chọi những cột bê tông và cọc sắt.
Bùng nổ
Sungroup - một tập đoàn do các cá nhân từ Liên Xô cũ lập lên nên giống như Vingroup - Đà Nẵng đang đặt cược vào tương lai của thành phố này khi rót hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng thuộc loại khủng tại đây. Năm ngoái, Sungroup đã khai trương khu nghỉ dưỡng InterContinental với 197 phòng trên bán đảo Sơn Trà.
Không chỉ thuê InterContinental Hotels Group quản lý, Sungroup còn cất công thuê Bill Bensley - ông hoàng của các khu nghỉ nổi tiếng thế giới như Four Seasons và Anantara - để thiết kế từng chi tiết của khu nghỉ tại Đà Nẵng. Thậm chí, Sungroup còn chịu chơi đến mức thuê cả đầu bếp Michel Roux đạt chuẩn 3 sao Michelin điều hành nhà hàng tại InterContinental. Sungroup cũng đang hoàn thiện khách sạn Novotel Han River Premier với 380 phòng, đồng thời xây thêm một số khách sạn để Accor quản lý dưới thương hiệu Mercure tại Khu du lịch Bà Nà Hills.
Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang rót lượng vốn lớn vào miền Trung. Indochina Capital đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào miền Trung, với các dự án danh tiếng như: khu nghỉ dưỡng The Nam Hải, sân golf Montgomerie Links và khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang. Ở phía Bắc của Đà Nẵng, Banyan Tree, một tập đoàn đầu tư khu nghỉ dưỡng danh tiếng của Singapore, cũng đang đầu tư 900 triệu USD vào khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô, trong đó, đã khai trương giai đoạn đầu với khách sạn Angsana, khu nghỉ Banyan Tree và một sân golf 18 lỗ.
Khi dốc hầu bao vào Đà Nẵng, các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng rất lớn vào mảnh đất này. Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc của Indochina Capital nói rằng, miền Trung hoàn toàn có cơ hội trở thành một điểm đến tầm cỡ quốc tế, giống như Bali hay Phuket.
Sơ bộ, những dự án khách sạn mới khai trương ở Đà Nẵng trong vài ba năm trở lại đây đã cung cấp thêm 2.000 phòng khách sạn 5 sao, một bước nhảy vọt nếu như so với trước đây khi Đà Nẵng chỉ có 2 khách sạn 5 sao là Furama và Hoàng Anh Gia Lai. Các khách sạn 3-4 sao cũng mọc lên như nấm dọc theo bờ biển Mỹ Khê. Lượng cung phòng khách sạn trong vài năm tới sẽ còn tăng mạnh khi khách sạn Crowne Plaza xây thêm 600 phòng, khu nghỉ dưỡng Sandy Beach tăng gấp đôi số phòng lên 400 và các khách sạn như Melia, Hilton hoàn thành xây dựng.
Khi dốc hầu bao vào Đà Nẵng, các nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng rất lớn vào mảnh đất này. Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc của Indochina Capital nói rằng, miền Trung hoàn toàn có cơ hội trở thành một điểm đến tầm cỡ quốc tế, giống như Bali hay Phuket.
Còn theo ông Zulki Othman, Tổng giám đốc Hyatt Regency Danang Resort & Spa, không có lý gì mà Đà Nẵng không trở thành điểm nóng về du lịch, bởi hiếm có nơi nào giàu tiềm năng như ở miền Trung vì có bãi biển đẹp; bao quanh bởi 3 di sản thế giới là Hội An, Mỹ Sơn và Huế; có những sân golf tầm cỡ quốc tế và có sân bay quốc tế có thể dễ dàng kết nối đến các trung tâm du lịch khu vực châu Á như: Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur và Hồng Kông.
Rơi vào tầm ngắm
Sự xuất hiện của các tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng như: InterContinental, Hyatt, Banyan Tree, Hilton, Accor và Melia tại miền Trung đã thu hút sự chú ý của các nhà điều hành du lịch trên toàn cầu. Gần đây, một số công ty du lịch lớn của Anh như Kuoni và Chic Locations, Premier Holidays cho biết, số lượng khách hàng đặt tour đến Đà Nẵng đang tăng dần lên, trong khi mối quan tâm đến Bali giảm đi.
Thậm chí, giới kinh doanh du lịch cũng không tiếc những lời có cánh dành cho miền Trung. Mark Siegel, Tổng giám đốc Golfasian - một công ty chuyên về du lịch golf ở Đông Nam Á có trụ sở tại Thái Lan, quả quyết rằng, miền Trung hoàn toàn có thể trở thành điểm nóng về du lịch golf của thế giới hoặc ít nhất là của châu Á trong thời gian tới.
Mark cho biết, khách du lịch golf chỉ thích chơi golf ở miền biển hoặc rừng - nơi có khí hậu thích hợp với nghỉ dưỡng và xét về khía cạnh này, miền Trung đang có lợi thế bởi bãi biển đẹp, nhiều khu nghỉ dưỡng 5 sao, có Hội An thơ mộng và 3 sân golf đẳng cấp quốc tế: Montgomerie Links tại Quảng Nam, Danang Golf Club tại Đà Nẵng và Laguna Lăng Cô Golf Club ở phía bắc đèo Hải Vân.
Không thể chối cãi là sự ra đời của hai sân golf là động lực thúc đẩy du lịch miền Trung, để cho Đà Nẵng - Hội An trở thành điểm đến cái gì cũng có. Có nhiều đoàn khách lựa chọn Đà Nẵng vì có thêm sân golf, làm cho các dịch vụ giải trí của họ ở Đà Nẵng phong phú hơn.Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort
Năm ngoái, Golfasian đưa 1.150 khách du lịch golf đến Việt Nam, nhưng kỳ vọng tăng gấp đôi con số đó trong năm nay và phần lớn số khách này đến chơi golf ở miền Trung. Nếu có thêm nhiều sân golf nữa đi vào hoạt động thì Mark tin rằng, bờ biển miền Trung hoàn toàn có thể bắt kịp được với Phuket hoặc Pattaya của Thái Lan trong việc thu hút khách du lịch chơi golf.
Tất nhiên, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở khu vực miền Trung cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác đối tượng khách được coi là nhiều tiền này. Ông Jean Luc Bonneau, Tổng giám đốc Sunrise Hoi An Resort cho biết, khu nghỉ dưỡng này cũng đang bàn thảo với các công ty du lịch về gói sản phẩm dành cho khách du lịch chơi golf.
Còn ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort thì cho biết, khu nghỉ đã ký kết hợp đồng hợp tác gửi khách tới hai sân golf Montgomerie Links và Danang Golf Club, đồng thời, giảm giá dịch vụ tới 20% cho các công ty du lịch golf của nước ngoài.
“Không thể chối cãi là sự ra đời của hai sân golf là động lực thúc đẩy du lịch miền Trung, để cho Đà Nẵng - Hội An trở thành điểm đến cái gì cũng có. Có nhiều đoàn khách lựa chọn Đà Nẵng vì có thêm sân golf, làm cho các dịch vụ giải trí của họ ở Đà Nẵng phong phú hơn”, ông Quỳnh khẳng định.
Thực tế phũ phàng
Nhưng kỳ vọng vào tương lai không thể che lấp được thực tế phũ phàng ở thời điểm hiện tại. Khoảng cách phát triển giữa du lịch Đà Nẵng với Bali và Phuket là rất lớn, nếu không nói Đà Nẵng chỉ là “đứa trẻ mới lớn” so với một Bali và Phuket đã trưởng thành và đầy kinh nghiệm.
Quả thực, nếu lấy các con số thống kê ra để so sánh thì Đà Nẵng ở “chiếu dưới” so với hai địa điểm trên. Nếu như Đà Nẵng có 8.000 phòng khách sạn tất cả các loại thì Bali gấp 5-6 lần con số đó và thậm chí Phuket còn có tới 53.000 phòng.
Năm ngoái, Đà Nẵng đón hơn 700.000 lượt khách quốc tế. Con số này cao nhất từ trước đến nay, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với Bali và Phuket vì khách quốc tế đến hai điểm nóng này lần lượt là 3 triệu và gần 7 triệu lượt. Mặc dù lượng phòng rất lớn, nhưng do khách đông nên công suất lấp đầy bình quân năm của các khách sạn tại Bali và Phuket đều trên 70%, trong khi con số này ở Đà Nẵng chỉ khoảng 50%. Trong những tháng thấp điểm, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng chỉ hoạt động cầm chừng ở công suất 30-40%.
Thậm chí, mặc dù lượng khách sạn ở Đà Nẵng không nhiều, nhưng ông Mathieu Lacabane, Tổng giám đốc Khách sạn Mercure nói rằng, thị trường đang thừa cung, dẫn đến công suất phòng và giá thuê phòng bình quân đều giảm.
Nếu tình trạng hoạt động của các hãng hàng không đến Đà Nẵng cứ phập phù như thế thì đương nhiên kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cũng không khá lên được.
Tại sao vậy? Một mùa mưa kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau khiến hoạt động du lịch bị trì trệ là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả kinh doanh của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng. Nhưng yếu tố cốt lõi khiến cho những đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn là thiếu các đường bay quốc tế.
Ông Mark Siegel của Golfasian nói rằng, thiếu các đường bay quốc tế kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng là cản trở lớn nhất đối với việc các công ty đưa khách đến miền Trung chơi golf. Mặc dù Đà Nẵng đã có các chuyến bay trực tiếp từ Singapore, Hàn Quốc, Kuala Lumpur, Hồng Kông cũng như các chuyến bay thuê chuyến từ Quảng Châu (Trung Quốc), nhưng đối với ông Zulki Othman, Đà Nẵng cần kết nối với nhiều điểm đến quốc tế như Bangkok, Nhật Bản hay Australia thì mới mong du lịch phát triển.
Đơn cử, mỗi tuần có tới 26 chuyến bay từ Australia đến Bali, khiến cho lượng khách Australia đến Bali mỗi năm bằng với tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Đà Nẵng là cửa ngõ quốc tế lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hà Nội và Tp.HCM. So với những địa điểm du lịch khác như Phan Thiết, Nha Trang hay Hạ Long, Đà Nẵng có lợi thế hơn vì có sân bay quốc tế, có thể dễ dàng kết nối với các điểm đến ở châu Á trong vòng 1-3 giờ bay. Nhưng thực tế, việc mở đường bay mới đã khó, duy trì đường bay còn khó hơn. Trước đây, đã có các chuyến bay từ Bangkok và Hồng Kông đến Đà Nẵng, nhưng cả PB Air và Pacific Airlines đều phải dừng bay vì lỗ.
Gần đây, có các tín hiệu tích cực khi Dragon Air bắt đầu bay từ Hồng Kông đến Đà Nẵng, các hãng hàng không như Air Asia và Silk Air có các chuyến bay từ Kuala Lumpur và Singapore đến Đà Nẵng. Nhưng nếu như Silk Air đang có kế hoạch tăng thêm mỗi tuần một chuyến bay, thì đáng buồn là Air Asia vừa ra thông báo sẽ ngừng bay đến Đà Nẵng từ tháng 6.
Nếu tình trạng hoạt động của các hãng hàng không đến Đà Nẵng cứ phập phù như thế thì đương nhiên kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cũng không khá lên được.
Không thể hữu xạ tự nhiên hương
Các hãng hàng không chỉ có thể duy trì đường bay nếu có đông khách du lịch đến Đà Nẵng. Nhưng sao vẫn ít khách quốc tế đến Đà Nẵng trong khi tiềm năng du lịch rất lớn, có các khu nghỉ dưỡng, sân golf tầm cỡ châu Á và thế giới?
Ông Gerd Kotlorz, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của InterContinental Sun Peninsula Resort, chỉ ra vấn đề là công tác quảng bá, tiếp thị Đà Nẵng ra thế giới còn yếu. Đà Nẵng có thể nổi tiếng ở trong nước, nhưng trên thế giới, không nhiều khách du lịch biết đến Đà Nẵng, vì thế họ vẫn hay chọn Phuket và Bali.
Rất khó tìm và giữ chân nhân sự chất lượng cao. Cứ mỗi khi có khách sạn mới mở cửa, họ lại chào mức lương cao hơn để thu hút nhân sự của các khách sạn khác. Nhìn chung, nhân sự khách sạn ở Đà Nẵng hưởng lương cao hơn các thành phố khác, nhưng chất lượng lại không bằng. Ông Mathieu Lacabane,
Tổng giám đốc Khách sạn Mercure
Với 18 năm kinh nghiệm làm du lịch ở Việt Nam, Louk Lennearts - Chủ tịch Tổ chức Tiếp thị điểm đến bờ biển miền Trung Việt Nam - thừa nhận, công tác tiếp thị hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung ra thế giới còn yếu. Nếu so với một số quốc gia châu Á khác như Thái Lan và Indonesia thì Việt Nam nói chung, chứ chưa cần nói đến miền Trung, hầu như không đầu tư cho công tác tiếp thị hình ảnh ra thị trường quốc tế. Mỗi năm Việt Nam chỉ chi có 2 triệu USD cho công tác tiếp thị và quảng bá du lịch, trong khi Malaysia chi 32 triệu USD và riêng Bali là 229 triệu USD.
Hàng năm, các địa phương ở miền Trung chi rất nhiều tiền cho các sự kiện, lễ hội du lịch trong nước, nhưng lại hầu như không có sự kiện quảng bá tầm cỡ nào ở nước ngoài. Theo Louk Lennearts, miền Trung Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tổ để trở thành điểm đến quốc tế không thua kém gì Phuket và Bali nếu như công tác quảng bá hình ảnh làm tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu khách du lịch đổ về Đà Nẵng thì các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lại phải đối mặt với một loạt vấn đề mới. Theo ông Mathieu Lacabane, thiếu nhân sự chất lượng đã và sẽ vẫn là bài toán đau đầu với các khu nghỉ dưỡng ở miền Trung. “Rất khó tìm và giữ chân nhân sự chất lượng cao. Cứ mỗi khi có khách sạn mới mở cửa, họ lại chào mức lương cao hơn để thu hút nhân sự của các khách sạn khác. Nhìn chung, nhân sự khách sạn ở Đà Nẵng hưởng lương cao hơn các thành phố khác, nhưng chất lượng lại không bằng”, ông than phiền.
Tình trạng này cũng được các khách sạn khác thừa nhận. Ông Zulki Othman cho biết, thách thức lớn nhất đối với Hyatt Regency Danang Resort hiện nay là làm thế nào để nhân viên thạo tiếng Anh, còn ông Adwin Chong, Tổng giám đốc Crowne Plaza lại đau đầu với việc tuyển dụng nhân viên giỏi tiếng Trung.
Xem ra, việc xây dựng các khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng mang đẳng cấp quốc tế cũng mới chỉ là cung cấp phần cứng, còn để cạnh tranh được với Bali hay Phuket thì Đà Nẵng vẫn còn phải làm rất nhiều điều trên một chặng đường dài.
Nguồn : VNeconomy