Bám sát chủ trương tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã xây dựng Đề án định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện thực hóa chủ trương nói trên, thời gian qua, Đà Nẵng ưu tiên nguồn vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao. Hàng loạt cơ sở hạ tầng về giao thông, môi trường được ưu tiên đầu tư.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hàng loạt dự án nhằm khơi thông các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt là những dự án du lịch nghỉ dưỡng gắn với bất động sản. Tất cả hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Đặc biệt, trong năm 2022 và 2023, du lịch Đà Nẵng thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới khi đăng cai thành công nhiều sự kiện tầm quốc tế và liên tục được các tổ chức du lịch, tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn, vinh danh với nhiều giải thưởng. Điều này cho thấy, Đà Nẵng có sức hút đáng kể đối với du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch đã triển khai Chương trình kích cầu và thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng năm 2024 - Enjoy Danang 2024 - Tận hưởng các sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng với chuỗi sự kiện - lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Bóng đá Brazil - Việt Nam 2024; Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng; Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13; Giải BRG Open Golf Championship; Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng;…
Chương trình kích cầu và thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng năm 2024 - Enjoy Danang 2024 - Tận hưởng các sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng với chuỗi sự kiện - lễ hội đặc sắc
Cùng với đó, du khách sẽ có cơ hội gia tăng trải nghiệm, khám phá Đà Nẵng với các sản phẩm du lịch ban đêm hấp dẫn như: Các show diễn Charming show, Áo dài show; chương trình du ngoạn sông Hàn về đêm trên các tàu du lịch, xích lô du lịch; ngắm cầu Rồng phun lửa - phun nước; chương trình giải trí âm nhạc về đêm tại các khách sạn 5 sao, các tụ điểm âm nhạc, bar, club…; Song song đó là hoạt động của các Phố du lịch, chợ đêm: Phố Du lịch An Thượng, chợ đêm Helio, bãi biển đêm Mỹ An...
Cùng với các sản phẩm du lịch đặc sắc, nhiều sản phẩm du lịch mới 2024 theo từng giai đoạn sẽ được ra mắt phục vụ nhu cầu của du khách như: Trình diễn nhạc nước; trình diễn múa rối nước; khai trương phố đi bộ Bạch Đằng và thí điểm dịch vụ về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; tận hưởng du lịch Đà Nẵng bằng tàu hoả Huế - Đà Nẵng “Kết nối di sản miền Trung” với nhiều trải nghiệm đặc sắc; tour trải nghiệm ẩm thực, giới thiệu đến du khách những món ngon phải thử khi đến Đà Nẵng;…
Pháo hoa sáng rực thành phố sông Hàn trong kỳ DIFF 2023
Trong năm nay, hai bên bờ sông Hàn sẽ diễn ra 55 sự kiện, hoạt động văn hóa - lễ hội định kỳ và thường niên do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức. Trong đó gồm 19 hoạt động định kỳ và 36 hoạt động thường niên: vũ hội đường phố, hát bài chòi, ảo thuật đường phố, chương trình âm nhạc và cuộc sống, giai điệu cuối tuần, tuồng xuống phố… So với những năm trước, năm 2024 sẽ xuất hiện nhiều hoạt động mới lạ, có tính đột phá, bám sát với nhu cầu, thị hiếu của người dân và du khách.
Đặc biệt, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024 mang những “vũ điệu trên không” trở lại bầu trời Đà Nẵng với chủ đề “Made in Unity - Kết nối toàn cầu - Rạng rỡ năm châu” sẽ diễn ra từ ngày 8-6.
Dự kiến đêm khai mạc DIFF 2024 sẽ có tiết mục trình diễn nghệ thuật thể thao mạo hiểm. Đây hứa hẹn là điểm nhấn làm nên sự khác biệt hoàn toàn của DIFF 2024 so với các mùa trước.
Lễ hội hứa hẹn mang đến người dân và du khách những “bữa tiệc của giác quan” lộng lẫy trên không và được kỳ vọng sẽ tiếp tục là “thỏi nam châm” hút khách đến Đà Nẵng, giúp ngành du lịch của thành phố sông Hàn bứt phá ngoạn mục.
Đánh thức sông Hàn
Nhắc đến Đà Nẵng, du khách không chỉ nói về câu chuyện tắm biển, đi Cầu Vàng mà còn có thể tham quan, trải nghiệm các Di sản phi vật thể Quốc gia, các di tích quốc gia đặc biệt… gắn với sự phát triển của Đà Nẵng.
Có thể nói, Đà Nẵng chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử mà có lẽ hiếm nơi nào có được, điều này cũng đòi hỏi thành phố phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm để không chỉ giới thiệu đến với du khách mà còn mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay về các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của thành phố và của cả dân tộc.
Trong định hướng phát triển các sản phẩm du lịch, thành phố quyết tâm phát triển các tuyến du lịch đường thủy gắn liền với các làng nghề truyền thống. Đặc biệt đó là dòng sông Hàn, dòng sông với những cây cầu bắc ngang sẽ được khoác lên tấm áo mới.
Theo đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, tỉ lệ 1/2.000, định hướng phân khu ven sông Hàn và bờ Đông sẽ là khu trung tâm đô thị; Trung tâm hành chính - chính trị Thành phố; Cửa ngõ du lịch ven sông, ven biển của Thành phố; Trung tâm tài chính khu vực; Trung tâm Hội nghị, Hội thảo (MICE) quốc gia, quốc tế; Trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao Miền Trung - Tây Nguyên; Trung tâm văn hóa và thể thao xung quanh khu vực Tiên Sơn, Hải Châu; Trung tâm y tế Thành phố.
Các điểm nhấn của phân khu ven sông Hàn và bờ Đông gồm: Khu Bảo tàng sống được quy hoạch là khu vực đô thị truyền thống giới thiệu về lịch sử và lối sống đô thị tại Đà Nẵng; Khu thương mại trung tâm là các Khu dịch vụ, Hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ, Cây xanh sử dụng công cộng, Y tế, ... định hướng để trở thành trung tâm kinh tế mới của Thành phố.
Khu Bảo tàng sống được quy hoạch là khu vực đô thị truyền thống giới thiệu về lịch sử và lối sống đô thị tại Đà Nẵng
Bên cạnh đó là các công trình điểm nhấn đô thị như tổ hợp cao tầng, công trình thương mại dịch vụ cao tầng, các khu phức hợp cao tầng… Cụm công trình điểm nhấn, công trình điểm nhấn trong không gian mở Khu vực Cổ viện chàm - công viên APEC - đường Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - đường Trần Hưng Đạo - cầu Rồng. Các công trình hành chính - chính trị, nhà hát, bảo tàng, thư viện,... cấp vùng, cấp thành phố.
Khu vực ven sông Hàn sẽ là một không gian mở, kết hợp giữa mặt nước, hành lang xanh dọc sông và các công viên lớn. Các công trình công cộng, dịch vụ kết nối với sông và biển tạo thành không gian tự nhiên hài hòa, sinh thái. Tại không gian ven bờ đông sông Hàn, quy hoạch các công viên, quảng trường kết nối bằng tuyến cây xanh, lối đi bộ.
Đà Nẵng cũng tất bật chuẩn bị các điều kiện cần thiết thắp sáng dòng sông Hàn với dự án gần 400 tỷ đồng để có một sông Hàn với những cây cầu bắc ngang, công trình cao tầng ven sông sẽ rực rỡ, quyến rũ du khách hơn.
Cùng với các công trình điểm nhấn, Đà Nẵng nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm du lịch mới như phố đi bộ Bạch Đằng; Phương án thí điểm tổ chức dịch vụ, phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi...
Hy vọng trong một tương lai gần Sông Hàn sẽ rực rỡ và đầy quyến rũ hơn trong mắt người dân và du khách thập phương
Vừa qua, thành phố tổ chức cuộc thi tuyển quy hoạch kiến trúc quảng trường - bảo tàng dọc trục Trung tâm hành chính thành phố - Bạch Đằng - Trần Phú và một số trụ sở hành chính liên quan. Trong đó, Khu vực thành Điện Hải, nơi ghi dấu cuộc chiến kháng Pháp năm 1858 và Bảo tàng Đà Nẵng đã được phê duyệt quy hoạch làm quảng trường trung tâm. Khu vực lõi này sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, chính trị của thành phố, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử của người dân và du khách.
Hy vọng trong một tương lai gần Sông Hàn sẽ rực rỡ và đầy quyến rũ hơn trong mắt người dân và du khách thập phương như những thành phố nổi tiếng trên thế giới có dòng sông chảy ngang qua như sông Seine (Paris, Pháp), sông Danube (Vienna, Áo), sông Thames (London, Anh),…
Hoàng Phan - Thanh Nguyên
Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng - danang.gov.vn - Đăng ngày 24/4/2024