Chiều 19/02, kết luận cuộc họp triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, Trưởng ban tổ chức lễ hội, thống nhất dự thảo chương trình theo đề xuất của UBND quận Ngũ Hành Sơn, giao UBND quận khẩn trương hoàn thiện chương trình lễ hội để tham mưu cho Ban tổ chức ban hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đoàn Hạo Lương
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Công an thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND quận Ngũ Hành Sơn hoàn thành kế hoạch của tiểu ban phụ trách an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, y tế và văn minh thương mại; Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì với các sở, ngành và UBND quận Ngũ Hành Sơn hoàn thành kế hoạch của tiểu ban phụ trách về hoạt động văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông. UBND quận Ngũ Hành Sơn chủ trì với các sở, ban, ngành hoàn thành kế hoạch của tiểu ban nghi lễ đối ngoại và tín ngưỡng tôn giáo để khẩn trương hoàn thành sớm báo cáo ban tổ chức; phối hợp Công an thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức thành công lễ hội.
Báo cáo tình hình công tác chuẩn bị nội dung lễ hội Quán Thế Âm năm 2025, UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết đã phối hợp với Văn phòng UBND thành phố tham mưu ban hành kế hoạch và quyết định thành lập Ban tổ chức lễ hội. Chương trình lễ hội dự kiến diễn ra 4 ngày từ 16 đến 19/3 (nhằm ngày 17, 18, 19 và 20/02 âm lịch).
Trong ngày 16/3 có các hoạt động: khai mạc lễ hội; lễ khai kinh Thượng phan, Thượng kỳ, Thượng phướn và thả khinh khí cầu; hội thi kéo co, trèo cây chuối đồng đội đoạt cờ; triển lãm mỹ thuật tranh ảnh, thư pháp, thư họa và ra mắt đặc san Diệu Âm lễ hội Quán Thế Âm năm 2025; triển lãm tài nguyên thông tin về Ngũ Hành Sơn và Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, thi hùng biện sách “Văn học với Phật giáo”; trưng bày và biểu diễn chế tác nghệ thuật đá nghệ thuật mỹ nghệ Non Nước; thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quan Âm - mùa lễ hội” và trưng bày triển lãm tranh, tượng nghệ thuật; các hoạt động văn hóa nghệ thuật như hô hát bài chòi Khu 5, hát tuồng; biểu diễn nghệ thuật múa lân sư rồng, nhảy sạp, gian hàng trò chơi dân gian; lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa; lễ tế Xuân cầu quốc thái dân an, diễu hành xe hoa chào mừng lễ hội, biểu diễn múa rối cạn múa rối nước; chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội chủ đề “Tỏa sáng đài sen ngọc”...

Lễ hội Quán Thế Âm hằng năm luôn thu hút đông đảo phật tử và khách tham dự. Ảnh: Xuân Dũng
Trong ngày 17/3 có các hoạt động: hội cờ làng, hội thi đi cà kheo hỗn hợp; hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước; lễ hội thả diều nghệ thuật; tọa đàm “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”; trình diễn trực họa, ký họa về lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn; biểu diễn nghệ thuật dân gian, diễu hành xe hoa chào mừng lễ hội, thuyết giảng chủ đề lễ hội...
Ngày 18/3 diễn ra lễ chính thức (lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) gồm thực hiện các nghi lễ tôn giáo, lễ rước tôn thượng Quán Thế Âm Bồ tát, lễ hóa trang Long - Phụng Quán Thế Âm Bồ tát, dâng mâm hoa ngũ quả nghệ thuật... Bên cạnh đó, còn có hội đua thuyền truyền thống, không gian ẩm thực chay Việt, diễu hành xe hoa mừng lễ hội, chương trình nghệ thuật, hoa đăng Thiền hành... Chương trình lễ bế mạc diễn ra vào ngày 19/3 và có các hoạt động chạy bộ, đi bộ vì hòa bình năm 2025.
Đoàn Hạo Lương
Báo Đà Nẵng Online - baodanang.vn - Ngày 20/02/2025