Ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên từ 13 đời nay nghề rối Tày được dòng họ Ma Quang gìn giữ. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng may thay nghề vẫn được truyền đến ngày nay.
Đặc biệt, vẫn còn 33 quân rối cổ trên 200 năm tuổi. Theo tục lệ dân tộc Tày ở Định Hóa, những quân rối cổ xưa được xem là “ma” nên phải thờ cúng.
Trước lời đề nghị của khách muốn được xem bộ rối cổ, ông Mai đến gần bàn thờ làm lễ xin phép ông tổ. Những quân rối cổ được cất cẩn thận trong một chiếc hòm gỗ lớn đã cũ kỹ. 33 quân rối cổ, mỗi quân một kiểu; có rối mô phỏng người, động vật và đồ vật…
Những quân rối cổ của đồng bào dân tộc Tày
|
Rối cổ trông khá đơn giản, cách vận hành cho rối hoạt động cũng ít thao tác. Ông Mai tâm sự “trông như đống củi mục vậy mà vô giá đấy! Từng có đoàn nghiên cứu ở tận Mỹ sang hỏi mua cả hòm rối cổ với giá trên chục ngàn đô mà chúng tôi không bán”.
Hiện ông Ma Quang Mai đã bước sang tuổi 73, sức khỏe không còn cho phép ông gánh vác vai trò của người Tộc trưởng Tộc rối Thẩm Rộc nữa.
Theo tục lệ, ông Mai truyền lại chức vị cho con trai mình là Ma Quang Chóng. Năm 1996, đoàn nghiên cứu của Viện Dân tộc học và hai nhà nghiên cứu người Mỹ tình cờ phát hiện ra ở Thẩm Rộc từng có múa rối Tày rất đặc sắc. Họ động viên anh Chóng khôi phục lại phường rối, để không đánh mất đi một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tổ tiên. Gần chục năm nay, anh Chóng đã bỏ nhiều công sức vực dậy phường rối.
Ban đầu, anh Chóng thuê người dịch sách cổ của các cụ truyền lại để tìm phương pháp làm rối. Sau đó, bằng sự sáng tạo của tuổi trẻ, anh Chóng tự mình làm ra những con rối. Những con rối mới đều tinh vi và có thể diễn được nhiều động tác khó… Phường rối hiện có 14 người, ai cũng mê rối nhưng chỉ riêng anh Chóng làm được rối để diễn.
Vây quanh bếp lửa tối nay có 6 anh em trong phường rối. Họ quyết định diễn vài trò cho khách lạ thưởng thức. Sau hồi trống dạo đầu, con rối đi trong cánh gà ra, từ từ ngồi lên ghế, tay đặt lên cây đàn bầu.
Cả căn nhà yên lặng, tiếng đàn bầu ngân lên, tay con rối nhẹ nhàng gảy điệu nhạc “Tiếng đàn bầu”. Người xem những tưởng chính con rối đang đàn bản nhạc này thật sự vì tay nó thể hiện giống quá.
Người nghệ nhân dân gian đã khéo léo xây dựng tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Anh Ma Đình Sung cho biết: “Nếu biểu diễn thật ở các nơi phải có đủ một bộ rối chơi năm loại nhạc khí dân tộc gồm: sáo, đàn nhị, trống quân, đàn bầu, đàn nguyệt”. Nhiều lần anh em có ý kiến bật băng nhạc biểu diễn cho đỡ vất vả, nhưng anh Chóng bảo “không chơi nhạc sống thì làm sao khán giả biết con rối diễn giống thật như thế nào”.
Tiết mục tiếp theo diễn ra trong ba phút mà thật sự ấn tượng. Con rối trong vai người nông dân ngồi nghỉ bên gốc đa làng, tay cầm điếu cày, tay nhồi thuốc; ro… ro… ro, sau tiếng rít dài, khói từ miệng con rối nhả ra. Con rối hút thuốc lào là con rối mới nhất anh Chóng vừa hoàn thành và đưa ra biểu diễn. Điểm đặc biệt của con rối hút thuốc lào ở chỗ miệng nó có thể cử động linh hoạt. Công sức cả tháng của anh Chóng nay đã thành công. Những trò rối của anh Chóng “gần gũi với cuộc sống của người nông dân thuần phác nơi miền đất núi rừng Định Hóa”.
Hiện nay, phường rối Thẩm Rộc có trên 20 trò thường xuyên biểu diễn. Bên cạnh đó, vẫn còn 12 bài giáo (mỗi bài giáo như một câu chuyện, được mô tả bằng những hoạt cảnh sống động của các con rối). Bài giáo luôn ẩn chứa giá trị giáo dục sâu sắc. Trong một buổi, người trưởng phường rối thường chọn ra vài bài giáo biểu diễn để khán giả biết đến lịch sử của múa rối Tày, hiểu về đời sống nghệ thuật của người xưa…
Các nghệ nhân dân gian minh chứng ngay cho các vị khách bằng màn biểu diễn múa rối táp cổ xưa. Hai con rối tay cầm chiêng nhảy khắp sân khấu và người diễn đọc bài giáo của múa táp cổ.
Nguồn tin: SGGP