Để phục hồi ngành công nghiệp không khói sau đại dịch, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch vốn dĩ đang bị dồn nén trong mấy tháng qua.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó phục hồi du lịch hậu Covid-19
là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm, góp ý của các đại biểu.
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển
mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục. Tỷ trọng du lịch trong GDP
có sự bứt phá rõ rệt, cụ thể năm 2015 đạt 6,3%, 2016 đạt 6,9%, 2017 đạt
7,9%, 2018 đạt 8,3% và 2019 là 9,2%, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ
cấu kinh tế.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch bùng phát đã gây ảnh
hưởng nặng nề đến ngành du lịch, vốn là một ngành đóng góp lớn vào phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước, với sự suy giảm ghi nhận ở hầu hết
các chỉ số, gồm lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng như doanh thu từ
hoạt động du lịch.
Hiến kế phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch, đại biểu Nguyễn
Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính trực tiếp và
linh hoạt cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch
và người dân kinh doanh dịch vụ công cộng, cộng đồng, đồng thời tăng
cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các
khoản tín dụng gia hạn trả nợ.
Ngoài ra, tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả giữa
chính quyền và các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra
các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội cho phục hồi và
phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Đại biểu Tâm nhấn mạnh cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để
kích thích nhu cầu du lịch bị dồn nén thời gian qua. Trong đó, giải pháp
ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an
toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo được sự tin tưởng của
khách du lịch.
“Nhiều địa phương trong cả nước đang khởi động lại hoạt động du lịch
với các quy định, lộ trình để du khách không phải cách ly khi đến. Do
đó, cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, đồng
thời đánh giá mức độ an toàn. Quy trình này cần được chuẩn hóa trong
phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để làm ấm lại thị
trường du lịch thế giới”, đại biểu lưu ý.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng
Tàu) kiến nghị đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường
mục tiêu; xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu;
và tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng
dịch vụ liên quan như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch
vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.
Đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các
chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và người
sử dụng lao động ngành du lịch gặp khó khăn do đại dịch
“Ngoài ra, cần ưu tiên đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng
Covid-19 cho người dân, người lao động ở các trung tâm du lịch; cũng như
đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch,
thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương” - đại
biểu Quân cho hay.