Ảnh minh họa |
Lan tỏa rộng sâu
Từ xa xưa Quan họ là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc. Từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu Quan họ. Người chơi Quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ.
Ngày 30/9/2009, khi Dân ca Quan họ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì tình yêu Quan họ thẩm thấu, chảy trong từng mạch máu mỗi người dân Kinh Bắc suốt bao đời lại được cộng hưởng, nhân lên bội lần.
Từ đó, tình yêu đối với Dân ca Quan họ Bắc Ninh không còn là của một cá nhân hay một cộng đồng nhỏ lẻ mà có sự kết nối, thu hút sự quan tâm chú ý của cả nhân loại. Tình yêu đó ngày càng tỏa sáng và đẹp biết bao khi mỗi người đều biết biến tình yêu thành những việc làm thiết thực để bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Quan họ.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cũng còn không ít điều đáng bàn. Yêu thế nào cho đúng với giá trị của di sản. Yêu nhưng phải hiểu để biến tình yêu ấy thành ứng xử có văn hóa và những hành động phù hợp xứng tầm với di sản thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, cái khó nhất hiện nay chính là đào tạo được lớp nghệ nhân trẻ đam mê với loại hình nghệ thuật này. Với Quan họ Bắc Ninh, sức sống dân gian đã có sẵn, giờ cần thêm tiếng nói gắn kết và tổ chức là thành công.
“Bắt mạch” kịp đòi hỏi, các nghệ nhân, liền anh, liền chị ở 49 làng Quan họ gốc và ở hơn 300 làng Quan họ thực hành khác đã luôn xem việc truyền dạy và trau dồi vốn liếng văn hóa Quan họ là niềm vui và trách nhiệm của bản thân mình để khi cần, họ sẵn sàng bỏ lại việc riêng, sửa soạn tiếp đón, biểu diễn phục vụ du khách gần xa…
Song hành với cộng đồng, nhiều chương trình hành động được tỉnh Bắc Ninh và ngành văn hóa triển khai thiết thực, ý nghĩa như: chính sách tôn vinh, đãi ngộ 41 nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh; khôi phục các hình thức hát Quan họ truyền thống; xuất bản và tái bản một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Quan họ …
Đặc biệt, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013 - 2020” vừa được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ gần 65 tỷ đồng đã đem đến tin vui cho người yêu Quan họ. Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, Đề án được kì vọng sẽ thúc đẩy thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ di sản dân ca Quan họ, cũng như phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân bấy lâu nên được người dân tin tưởng, đồng thuận.
Cùng với đó, Cục Di sản Văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng xây dựng chuyên đề Dân ca Quan họ Bắc Ninh để đưa vào giảng dạy ở cấp phổ thông; thành lập khoa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật của cả hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Ảnh minh họa |
Hòa chung vào bản ca Xuân của đất trời
Người Kinh Bắc hát dân ca Quan họ, chơi Quan họ không những trong dịp lễ hội mà cả trong khi lao động, trong các đám giỗ chạp... Cứ đến lễ hội mùa Xuân, các làn điệu Quan họ với những câu hát trữ tình làm say đắm lòng người Quan họ và khách thập phương lại ngân lên trong không gian văn hoá Quan họ.
Trong kí ức vẹn nguyên của cụ Nguyễn Văn Từ, 90 tuổi, người làng Viêm Xá (còn gọi làng Diềm, xã Hòa Long, TP Bắc Ninh - nơi phát tích của điệu ca Quan họ trữ tình), những làn điệu Quan họ đã gắn với ông từ thủa lọt lòng. Những điệu ca Quan họ vốn đã mềm mại, lay động lòng người thì trong ngày Xuân, sức hút đó càng nhân lên gấp bội.
Những câu hát trao duyên xốn xang được nam - nữ trong làng cất lên từ nhiều ngày trước Tết Nguyên Đán, hòa chung vào nhịp sống hối hả, tất bật chuẩn bị cho Tết. Đặc biệt, trong những ngày Tết, đi qua vùng Quan họ, nơi nào cũng xốn xang những câu hát ngọt lịm, vang rền; các liền anh, liền chị áo khăn xúng xính, nón quai thao lấp loá triền đê làng…
Là người con trưởng thành từ những làn điệu dân ca, PGS.TS Nguyễn Chí Bền hồi tưởng, từ những ngày trong Tết, các làng Quan họ vùng Lim (huyện Tiên Du) đã rộn rã không khí của hội hè. Thời điểm ấy, dân ca Quan họ được trả lại đúng với dáng hình nguyên bản nhất. Trong số những bài hát cất lên dịp Xuân sang, đặc sắc nhất vẫn là kiểu hát đối - khúc hát giao duyên giữa các liền anh, liền chị của hai làng gần nhau.
Ảnh minh họa |
Theo tài liệu cổ, hát đối trên đồi, sau chùa, ở nhà, mỗi nơi có lối hát khác nhau, có không khí khác nhau và gieo vào lòng người xem những cách cảm nhận khác nhau. Hát trên đồi là lối hát thoải mái, không cần lề lối, đôi khi rất tình cờ. Nam che ô, nữ cầm nón quai thao che nửa mặt, vừa giữ ý tứ, vừa để âm thanh khi hát trở nên ấm hơn, vang hơn. Vừa hát, người Quan họ vừa mời nhau và mời khách những miếng trầu têm hình cánh phượng. Ở đó, lời ca, câu hát được sáng tạo một cách tài tình, đầy cảm xúc, làm say đắm lòng người, thấm đượm giá trị nhân văn.
Những làn điệu “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Ngũ cung”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Con nhện giăng mùng”… ngân lên trong khung cảnh đậm chất Quan họ ẩn chứa cả sức sống mùa Xuân của con người và tạo vật.
Nhưng ấn tượng nhất với du khách từng một lần đến xứ Kinh Bắc, đó là đêm 12 tháng Giêng hàng năm, đêm diễn chỉ dành riêng cho Quan họ. “Lúc ấy, từ ngoài đình đến các hộ gia đình, đâu đâu cũng có những tốp người hát Quan họ và mời nhau nếm miếng trầu xanh” - PGS.TS Bền cho hay.
Qua bao thăng trầm của thời gian, những làn điệu dân ca Quan họ vẫn hiển hiện trong đời sống của người dân Kinh Bắc nói riêng và trong tiềm thức của những người yêu Quan họ. Không lạc hậu trước xu thế mới, dân ca Quan họ vẫn tiếp tục vươn lên, tự đổi mới mình và làm giàu sức sống trong dân gian. Với mỗi người dân Kinh Bắc, Xuân sẽ nhạt hơn nếu thiếu vắng điệu ca quê hương./.
Hội Lim - một trời âm thanh, thơ và nhạc
Ngày 11 - 12/2 (tức ngày 12 - 13 tháng Giêng), “đến hẹn lại lên”- Hội Lim 2014 hứa hẹn là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách khi tham dự Tuần lễ Du lịch Văn hóa Bắc Ninh.
Về với Hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ ba mớ bảy, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa Xuân của con người và tạo vật. Cách chơi hội của người Quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo với nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim, từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát Quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi Quan họ giữa các làng Quan họ. Mỗi làng Quan họ được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả Hội Lim.
Lễ hội diễn ra khắp các làng xã trong tổng Nội Duệ, trung tâm là núi Hồng Vân, với nghi thức tế lễ rước xách uy nghiêm, hùng tráng và nhiều trò vui, đặc sắc mà hấp dẫn nhất là đánh cờ người, tổ tôm điếm, thi dệt vải, thi làm cỗ và đón bạn, ca hát Quan họ. |
Nguồn : quehuongonline