Khi chúng tôi đứng ngoài đường giơ máy “zoom” vào trong căn nhà đã rêu xanh in nếp thời gian thì chủ nhân của ngôi nhà xuất hiện, ông hất hàm: “Làm gì đấy?”. Bất giờ, từ phía sau, bà vợ nói dõng dạc: “Không chụp chiếc gì hết. Đi chỗ khác…”
Sau khi nói yêu cầu, bà luôn miệng ca cẩm vì bị làm phiền quá nhiều. “Hàng ngày có bao nhiêu người ngó ra ngó vào, chụp chụp quay quay. Phát mệt”, bà cằn nhằn với chồng.
Truớc thái độ hơi quá của người vợ, ông chồng im lặng từ lúc nãy tới giờ mới lên tiếng: “Kệ bà ấy, chú thích thì cứ chụp, dẫu gì nó cũng đã… nát lắm rồi”.
Trăm năm còn lại chút này
Người dân Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) đã tiếp chúng tôi bằng thái độ hồn nhiên như vậy. Trong lúc này, trong đầu tôi hiện về ký ức em bé người Mông có môi mắt to tròn long lanh vẫn hay đứng ở trung tâm phố huyện Sa Pa. Mỗi lần du khách đứng lại chụp chung với cô bé, đều nhận được lời đề nghị rất sòng phẳng: “Cho 20.000 đồng ăn bánh đi. Chụp ảnh cười méo hết cả miệng rồi…”
Hiện nay, Cự Đà với hàng trăm nóc nhà cổ và 2 món nghề đậm đặc chất quê là miến và tương, đang đứng truớc có thể thành làng cổ cấp Quốc gia, hoặc thành điểm du lịch hấp dẫn như Sa Pa.
Đi dọc con đường vào Cự Đà dưới tán cây râm mát, xuất hiện những mảng tuờng rêu, mái ngói vút cong hoặc những hàng cau thẳng tắp trong sân vuờn.
Nguời đi cùng tôi, anh bạn đồng nghiệp vừa thực hiện xong bộ ảnh cưới có giá tiền triệu ở tiệm lớn trên phố Hà Nội luôn miệng tiếc rẻ giá biết truớc nơi này thì có thể lên khuôn những bức ảnh tuyệt đẹp.
Dừng chân truớc một ngôi nhà kiến trúc từ thời Pháp với những mảng tưởng lở lói, 2 cây cột chính của ngôi nhà đã hiện từng vỉa gạch bong. Người đàn ông tên Thiện, chủ nhân của ngôi nhà ngồi trước mái cổng đang mải miết đọc báo.
Vào trong, ngôi nhà có phần sơ sài, một bên cánh cửa đã bật khỏi bản lề, ngay thềm trước gạch lộ lên vệt đỏ ối của đất nung do sứt sẹo và cạnh đó, bức tường màu xám và mái ngói đã ngả rêu phong... Dường như, ngôi nhà này đã lâu lắm rồi không tu sửa lại.
Hiện nay, theo thống kê của thôn Cự Đà, ngôi làng rêu phong này còn nhiều căn nhà cổ đang trong tình trạng xập xệ như vậy.
Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch xã Cự Khê thì hiện nay gia tài của Cự Đà chỉ còn khoảng 100 ngôi nhà có niên đại từ 100 đến 300 năm tuổi.
Riêng kiến trúc thời Pháp có 20 căn nhà, 2 cây cột điện được dựng lên đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, đi theo sông Nhuệ dọc làng vẫn còn những bến nước, bậc đá lên xuống nhưng đã mất dần theo thời gian.
Tất cả gia tài về kiến trúc làng cổ mà Cự Đà đang mang trong mình sắp mất. Một thế kỷ trước đây, Cự Đà có những thương lái lừng lẫy đã xây dựng làng thành cổ ấp riêng biệt với hệ thống cửa làng, cửa xóm mà hiện nay người dân vẫn còn giữ được.
Theo ông Chung, tất cả những di sản đó đang ngày một xuống cấp nếu không có thái độ bảo tồn một cách quyết liệt. Ông nói rằng, cách tốt nhất hiện nay là mở rộng cửa đón khách du lịch. Song, để tăng thương hiệu của Cự Đà, thì việc công nhận làng cổ - như nó vỗn dĩ đã thế, là rất cần thiết.
Vẫn nằm trên giấy
Vị Phó Chủ tịch xã Cự Khê là người Cự Đà, ngay bản thân ngôi nhà của ông Chung có tuổi đời xấp xỉ gần 200 năm. Là người con của làng cổ nên ông Chung hiểu từng mảng rêu bám trên mỗi bức tường.
Trong câu chuyện tiếp chúng tôi, ông luôn miệng so sánh cách làm du lịch của Đường Lâm, Hội An.
“Nhưng mọi việc vẫn chỉ là kế hoạch và chờ đợi”, sau tiếng thở dài thườn thượt, người con Cự Đà nói.
Cách đây 2 tháng, cả Cự Đà xôn xao khi ông Phó Chủ tịch ra tay thử làm du lịch chuyên nghiệp một lần. Ngõ trên xóm dưới quét đường, những ngôi nhà đêm đêm nghe rõ tiếng mối mọt được lau chùi lại cẩn thận để đón khách.
Mỗi một nếp nhà cổ đều ghi niên đại và khi đoàn khách vào thăm, chụp ảnh phải trả chút tiền.
Hiệu ứng sau việc làm thử du lịch thu tiền khiến người Cự Đà rất hào hứng. Ngay sau đó như đã thành nếp, đường ngõ Cự Đà sau một đêm tỉnh giấc sạch sẽ tinh tươm. Hiện, Ủy ban xã đã ra nghị quyết thu mỗi tháng một hộ 2.500 đồng duy trì vệ sinh.
Nhưng theo ông Chung, thử một lần vẫn sẽ không đủ làm nên một cú hích lớn thật sự. “Cái cần hơn cả với Cự Đà là một danh hiệu chứng thực cho những giá trị đang ngủ quên từng ngày trong nhàn rỗi và nhàm chán”, ông bộc bạch.
Để được công nhận là làng cổ, hiện nay Ủy ban Nhân dân xã Cự Khê đang xây dựng kế hoạch làm du lịch một cách công phu gắn liền với bảo tồn tu sửa từng nếp nhà.
Ngoài việc trình đề án lên cấp trên, xã đang đề nghị có quỹ đất dành riêng cho việc phát triển nghề tương và miến. Đây là một trong những yếu tố then chốt để có thể giải quyết việc nhiều hộ dân sống chung trong một ngôi nhà cổ, chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc.”
Hy vọng, năm sau, khi chúng tôi trở lại, Cự Đà – với những hành động quyết liệt của cấp xã và sự quan tâm của cấp trên sẽ "trở mình" để bảo tồn những nếp nhà rêu phủ, những vốn quý cha ông còn lưu lại./.
Những“tỉ phú” chờ việc
Hiện nay, sau khi đền bù giải phóng mặt bằng để lấy đất xây khu đô thị, xã Cự Khê đã xóa sổ đất nông nghiệp. Trong làng có 400 hộ của thôn Cự Đà thì chỉ có xấp xỉ 70 hộ làm nghề miến và tương, số hộ còn lại làm thuê thời vụ cho các hộ làm nghề trong làng hoặc buôn bán nhỏ…
Sau khi cầm tiền đền bù đất nông nghiệp, thông tin từ Phó Chủ tịch Chung cho biết, các hộ dân đều có trong tay tiền tỉ.
Và hiện giờ, những "tỉ phú chân lấm tay bùn" này vẫn đang chờ một công việc thật sự là làm du lịch chuyên nghiệp. Nếu không, rất có thể khi sẵn tiền, người ta sẽ phá những ngôi nhà cổ, chia lô để xây dựng thành nhà bê tông, cốt thép... |
Nguồn : Vietnam+