Cà Mau hiện đang tập trung đầu tư vào quy hoạch các khu du lịch sinh thái (DLST), xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm theo kịp với xu thế phát triển chung của du lịch khu vực ĐBSCL và cả nước.
Tạo hấp lực cho ngành du lịch
Cà Mau từ lâu đã được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi và lưu truyền biết bao huyền thoại về một thời khai hoang, mở cõi của ông cha. Cà Mau hiện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL (gồm Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau). Các tiềm năng về tự nhiên, lịch sử và kinh tế - xã hội (KT-XH) ấy đang được tỉnh từng bước đầu tư, khai thác để phục vụ cho ngành du lịch.
Khách du lịch thăm VQG Mũi Cà Mau - Ảnh: Chí Tín |
Hiện nay, các tuyến đường bộ, đường sông từ TP.Cà Mau đã thông suốt đến các khu du lịch (KDL): Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau, VQG U Minh Hạ, Hòn Đá Bạc, Phân trường sinh thái 184 (H.Năm Căn); Phân trường sinh thái sông Trẹm (H.U Minh)… Bên cạnh đó, một số dự án cơ sở hạ tầng KT-XH cũng được T.Ư và tỉnh chú trọng xây dựng. Các nhà đầu tư hiện đang nâng cấp các KDL Hòn Đá Bạc, Sông Trẹm và Lâm trường 184. KDL Công viên văn hóa Mũi Cà Mau cũng đã có kế hoạch cải tạo, nâng cấp để tăng tính đa dạng của các loại hình dịch vụ. Ngoài ra, Khu DLST VQG U Minh Hạ đã thu hút được 7 nhà đầu tư, Khu DLST tại đảo Hòn Khoai thu hút 2 nhà đầu tư, Công viên văn hóa Mũi Cà Mau có 1 nhà đầu tư, KDL Khai Long 7 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 500 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, trong hơn 3 năm qua, du lịch Cà Mau đã được Nhà nước và tư nhân đầu tư nguồn kinh phí khoảng 360 tỉ đồng nhằm nâng cấp hệ thống nhà hàng, khách sạn; cải tiến chất lượng dịch vụ du lịch; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên cũng như giá trị tinh thần của các công trình văn hóa, di tích lịch sử ở vùng đất Cà Mau. Ngành du lịch tỉnh cũng đã tích cực khai thác các tuyến du lịch trọng điểm: Cà Mau - Khai Long - Đất Mũi; Cà Mau - VQG U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc; Cà Mau - Sông Đốc… nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong và ngoài nước.
Khu du lịch Đất Mũi - Ảnh: Chí Tín |
Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái
Theo định hướng, du lịch Cà Mau sẽ tập trung theo hướng khai thác tiềm năng DLST, biến nó trở thành một ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh. Trong đó, tỉnh chú trọng triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu DLST VQG Mũi Cà Mau, Khu DLST VQG U Minh Hạ; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cụm đảo Hòn Khoai. Hiện tỉnh đã chính thức ký điều chỉnh quy hoạch KDL Công viên văn hóa Mũi Cà Mau từ 101 ha lên 158 ha; tiến hành điều chỉnh quy hoạch KDL VQG U Minh Hạ, lập quy hoạch Khu du lịch - văn hóa - thể thao Đầm Thị Tường, khảo sát cụm đảo Hòn Khoai phục vụ cho phát triển du lịch trên đảo.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch Cà Mau nhìn nhận tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn nhưng lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế. Đầu tư cho du lịch hiện còn chậm, yếu và không đồng bộ. Vì vậy, vấn đề đặt ra không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho tất cả các ngành liên quan là làm sao khai thác, phát huy tiềm năng có hiệu quả để thu hút du khách, tăng nguồn thu ngân sách.
Cũng theo lời ông Nguyễn Tiến Hải, để du lịch Cà Mau phát triển đúng hướng, từ nay đến năm 2015 cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó tập trung vào những hạng mục công trình tại Đất Mũi, Hòn Đá Bạc, VQG... Tỉnh cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm cho đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể, hoàn chỉnh quy hoạch các KDL. “Phải định hướng việc kết nối và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm du lịch để thiết kế các tour, tuyến; rà soát các khu quy hoạch giao nhà đầu tư; sắp xếp lộ trình các quy hoạch. Đồng thời các ngành chức năng cần tham mưu để tỉnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản. Về nguồn vốn, tỉnh sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng cục du lịch, vốn ngân sách địa phương cũng như nguồn vốn xã hội hóa”, ông Hải nhấn mạnh.
Nguồn : TN