Tại hội thảo "Phát triển du lịch đường sông VN", do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 27/11, tại TPHCM rất nhiều bất cập trong lĩnh vực du lịch đường sông đã được các đại biểu nêu lên, trong đó có kể đến các “chi tiết” như: nhiều nơi không có cầu cảng; cầu vượt sông thấp lè tè, tàu thuyền không thể chui lọt... đã hạn chế phát triển loại hình du lịch này.
Du lịch trên sông nước miền Tây. (Ảnh: vnways)
Thuyền buồm đành làm nhà hàng
Theo một nhà đầu tư thuyền buồm tại TPHCM, trong một hội nghị ở nước ngoài mới đây, khoảng 80 chủ tàu thuyền du lịch cho biết muốn đến TPHCM và họ đã tìm hiểu khá kỹ về cầu cảng, bến đậu, dịch vụ điện, nước...
Tuy nhiên, khi biết được thực tế, họ đành bỏ ý định đến TPHCM. “Nếu thu hút được du khách từ tuyến đường biển, cũng như phục vụ bằng thuyền buồm khi họ tham quan du lịch, chúng ta sẽ thu được rất nhiều ngoại tệ”, vị này khẳng định.
Cách nay 8 năm, chúng ta có một tuyến du lịch đường sông từ TPHCM đi Campuchia song nó đã nhanh chóng bị xóa sổ. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, cho biết một số nơi như: Tiền Giang, Bình Dương, Vĩnh Long... có cầu cảng và có thể tiếp nhận tàu du lịch lớn.
Trong khi đó, TPHCM là nơi du khách quốc tế đến nhiều lại không có cầu cảng, bến tàu riêng, kể cả bến đậu. Tàu thuyền du lịch cũng không thể đưa khách đến được các địa điểm tham quan ở Củ Chi, Bình Dương, Đồng Nai... do độ tĩnh không của nhiều cây cầu bắc qua sông quá thấp. Muốn đưa khách đi phải chuyển từ tàu lớn sang tàu nhỏ, thậm chí phải di chuyển bằng đường bộ mới đến được nơi tham quan khiến chi phí tăng cao, khách bị phiền hà.
Theo ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, công ty của ông đã đầu tư 3 thuyền buồm phục vụ du khách quốc tế tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên, gần đây công ty phải hoạt động cầm chừng, chuyển hướng kinh doanh thuyền buồm sang nhà hàng. “Lượng khách ngày càng giảm do nhiều cây cầu ở Cần Giờ quá thấp, tàu lớn không qua được” - ông Sơn cho biết.
Cũng như Đông Dương, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp du lịch đường sông đầu tư thuyền buồm nhưng hoạt động không hiệu quả đã chuyển hướng kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng. Ông Vũ Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Hà, đơn vị đang đầu tư 4 thuyền buồm có cả phòng ngủ, lo lắng: “Khai thác thuyền buồm thế nào cho hiệu quả trong khi cơ sở hạ tầng tại TP chưa có?”.
Theo các nhà đầu tư thuyền buồm, TPHCM nên đầu tư cầu cảng, bến đậu để doanh nghiệp mạnh dạn làm du lịch đường sông. Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết cầu cảng, bến đậu ở một số địa phương đều do tư nhân đầu tư xây dựng. Hiện TP cũng đang có một công ty đầu tư xây dựng cầu cảng du lịch và bến đậu. Nếu chờ Nhà nước đầu tư thì rất lâu, cơ hội sẽ không còn.
Thiếu sản phẩm du lịch riêng
Các công ty du lịch khẳng định du lịch xanh, du lịch sông nước ở ĐBSCL vẫn còn ăn khách. Tuy nhiên, dần dà du khách sẽ cảm thấy nhàm chán do ở đây không còn gì để họ khám phá. Theo giám đốc một công ty chuyên khai thác tuyến du lịch miền Tây, đến địa phương nào cũng thấy na ná nhau, như: cùng dùng phương tiện xuồng ghe; ăn thì quanh quẩn vài món cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, canh chua... “Các địa phương cần có sản phẩm riêng, tận dụng tối đa các loại đặc sản riêng, không nên thấy người ta làm rồi làm theo giống y vậy. Ngoài ra, cần phải giữ gìn và phát triển đặc sản, sản phẩm sẵn có”, vị này nhìn nhận.
Một vấn nạn du lịch sông nước nữa là tình trạng chặt chém không thương tiếc đã làm nao núng các nhà tổ chức du lịch khiến họ không dám đưa du khách đến lần thứ hai. Các doanh nghiệp du lịch cho biết trước đây, khu vực Tiền Giang thu hút du khách do có nhiều vườn cây, sông ngòi, chợ nổi... Thế nhưng sau đó, nhiều đơn vị du lịch không dám đưa khách đến đây vì giá cả dịch vụ đưa rước bằng xuồng ghe tăng 3-4 lần; trái cây bán còn cao hơn tại nhiều chợ ở TPHCM...
Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, các tỉnh, TP phía Nam có thế mạnh về sông ngòi, vườn cây mà nhiều nước trong khu vực không có được. Để đánh thức tiềm năng, thế mạnh này, cần có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, để lại dấu ấn cho du khách.
Mặt khác, các cơ quan quản lý, kể cả doanh nghiệp, cần nhận thức rõ thế mạnh du lịch đường sông; định hướng rõ việc phát triển loại hình du lịch này. Ngoài ra, cần tận dụng được nguồn vốn từ các thành phần để đầu tư cơ sở hạ tầng; có quy hoạch đề án phát triển du lịch đường sông và sản phẩm du lịch...
Chú ý đến chất lượng nước sông
TS Nguyễn Đức Trí, trưởng bộ môn du lịch Khoa Thương mại - Du lịch- Marketing Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng để phát triển du lịch đường sông hiệu quả, cần chú ý đến chất lượng nước sông.
Chỉ riêng khu vực TPHCM, mỗi ngày đã có 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt, gần 400.000 m³ nước thải công nghiệp và khoảng 5.000 tấn rác thải sinh hoạt, 7 tấn rác y tế chưa qua xử lý.
Ngoài ra, theo TS Trí, cần phải chú ý đến không gian hai bên sông, kể cả hành lang ven sông, làm sao để du khách cảm nhận, ấn tượng được địa danh nào đó và ghi nhớ. |