Tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm
Chị Nguyễn Thu Hiền, du khách ở Hà Nội cho biết: Chúng tôi thích lên Lạng Sơn để đi tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Động Tam Thanh, Nhị Thanh và thăm núi Tô Thị..., đi mua sắm ở các chợ cửa khẩu cũng chỉ cần gói gọn trong một ngày. Xuất phát ở Hà Nội 4h sáng, đến 9h tối lại có mặt ở nhà, như thế cũng đã khám phá cơ bản về Lạng Sơn rồi, không cần thiết phải lưu lại vài ngày tốn kém thêm.
5 năm gần đây, Lạng Sơn đã lấy du lịch lễ hội xuân là một trong những điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Bằng việc đầu tư phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống như: lễ hội Đầu pháo, lễ hội Đền Tả Phủ, lễ hội xuống đồng Bủng Kham... đã thu hút lượng khách đến với Lạng Sơn trong các dịp cuối năm và đầu năm đông hơn.
Chị Nguyễn Thị Nhị, hướng dẫn viên của một công ty du lịch tư nhân ở Hà Nội thường xuyên dẫn khách du lịch đến Lạng Sơn nhận định: Lạng Sơn có tiềm năng phong phú để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch leo núi dã ngoại; du lịch khám phá hang động, văn hóa; du lịch mua sắm; du lịch biên giới... Đặc biệt, Lạng Sơn có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Song hiện nay, tại các địa phương, làng quê có tiềm năng du lịch cộng đồng lại chưa có được những điểm đến tham quan cụ thể. Đơn cử như chưa có những hộ gia đình có thể làm điểm dừng chân khám phá, nghỉ dưỡng, thưởng thức những món ăn dân tộc, hay được nghe gia chủ giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của dân tộc, địa phương nơi du khách đến hoặc được nghe những câu chuyện cổ dân tộc, những ý nghĩa nhân văn ẩn tàng trong những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc được tổ chức mỗi độ xuân về trên quê hương xứ Lạng... Do đó, các điểm du lịch cộng đồng này chưa tạo nhiều ấn tượng để du khách phải dừng chân, lưu trú tham quan dài ngày hơn.
Theo thống kê của ngành du lịch Lạng Sơn, lượng khách du lịch đến với Lạng Sơn tăng quá nhanh, nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng và khả năng đáp ứng nhu cầu của hệ thống dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn. Từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh có trên 40 công trình khách sạn, nhà hàng được đầu tư xây dựng mới với tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng do các doanh nghiệp tự huy động, trong đó có 12 cơ sở lưu trú tại khu du lịch Mẫu Sơn. Góp phần nâng số cơ sở lưu trú trong tỉnh lên trên 150 cơ sở. Trong đó có 19 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 2 sao. Số còn lại đạt tiêu chuẩn tối thiểu với hơn 1.500 phòng và trên 3.000 giường. Riêng thành phố Lạng Sơn là trung tâm kinh tế - văn hoá của tỉnh, hiện nay cũng chỉ có khoảng trên 100 nhà nghỉ, khách sạn. Tuy nhiên, số nhà nghỉ có quy mô trên 30 buồng rất ít, chủ yếu loại nhà nghỉ có trên dưới 10 buồng. Vì vậy, nếu có đoàn khách đông đến vài chục, một trăm người thì phải san khách ra ở các nhà nghỉ khác khiến nhiều khách không hài lòng.
Xây dựng quy hoạch tổng thể
Ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Trước thực tế trên, tỉnh Lạng Sơn xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, các khu, điểm du lịch như: Phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn theo hướng mở rộng với nhiều nội dung phong phú và riêng biệt, hướng tới thành khu du lịch quốc gia; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án tại các khu du lịch Nhị - Tam Thanh, thành Nhà Mạc, khu du lịch sinh thái Hồ Nà Tâm, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố và các cửa khẩu, các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Đầu tư các khu, điểm du lịch gắn kết, đan xen để phát triển một số loại hình du lịch tâm linh; sinh thái, hang động, mua sắm, cửa khẩu... trở thành thế mạnh của tỉnh. Tôn tạo các di tích, danh thắng, khôi phục những nét văn hóa đặc sắc như: hát then, sli, lượn, các món ăn đặc sản truyền thống có chất lượng và mang đậm tính riêng có của vùng đất xứ Lạng để phục vụ khách du lịch.
Tỉnh cũng đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách: Ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, các thủ tục quản lý xuất nhập cảnh và các thủ tục hành chính khác, nhằm tạo thuận lợi nhất cho du khách và nhà đầu tư đến với Lạng Sơn. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm du lịch bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, tiếp tục liên kết và hợp tác với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố lân cận: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng để cùng thúc đẩy tạo cơ hội mới cho du lịch phát triển hiệu quả và bền vững hơn.
Nguồn : Báo DT&PT