Thành phố rừng Madagui (Madagui Forest City) – tên gọi mới của Khu Du lịch rừng Madagui thuộc địa bàn khu phối, thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai – cửa ngõ phía Nam tỉnh Lâm Đồng
Nếu từ năm 2004 trở về trước, khu du lịch có diện tích gần 1.200 ha này được ví như một nàng tiên “ngủ quên” trong rừng thì nay nó đã được Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui ‘đánh thức” bằng một số công trình, dự án đồ sộ cùng với những loại hình dịch vụ du lịch mới lạ và độc đáo.
Không phải ngẫu nhiên mà Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui lại chọn và bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch rừng ở đây nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, thưởng ngoạn và khám phá thiên nhiên của du khách 4 phương. “Lý do chúng tôi chọn nơi đây để đầu tư phát triển thành một Madagui Forest City là vì nơi đây có tiềm năng và thế mạnh rất riêng mà không phải bất cứ nơi nào cũng có được. Vấn đề quan trọng là khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh ấy như thế nào mà thôi!” – Ông Võ Ngọc Chuyển – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui tâm sự.
Những trò chơi cảm giác mạnh, mạo hiểm phù hợp với địa hình bán sơn địa như: Thuyền phao vượt thác, đi thuyền độc mộc trên hồ Thạch Lâm… Đặc biệt, trò chơi bắn súng đạn nước sơn – một sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo và lần đầu tiên xuất hiện ở Lâm Đồng được Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui đầu tư và đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây đã thực sự hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ông Adrien – du khách Pháp khi đến với Madagui Forest City cho biết: “Ở nước ngoài tôi đã nhiều lần chơi trò chơi này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia trò chơi bắn súng đạn nước sơn cùng các bạn Việt Nam tại Khu Du lịch rừng Madagui. Không gian và môi trường tại khu du lịch này rất lý tưởng và phù hợp với trò chơi này nên tôi rất thích”. Theo ban Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui, trung bình mỗi tháng trò chơi bắn súng đạn nước sơn thu hút khoảng 4.000 lượt khách và doanh thu đạt khoảng 100 triệu đồng. Có những ngày cao điểm doanh thu lên đến 20 triệu đồng.
Không chỉ có vậy, đến với Madagui Forest City du khách còn được khám phá “Thiên phúc sơn động”; chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc độc đáo trên đá; xem bộ sưu tập tre lấy măng với 46 loại tre đặc hữu của Việt Nam; tắm mình trong hồ bơi được thiết kế theo bậc thang liên hoàn giữa rừng xanh; tận hưởng không gian văn hóa ẩm thực tại Nhà hàng Muông Xanh có sức chứa 1.200 chỗ ngồi; hay như có những giây phút thư giãn trong 80 villa cao cấp và sang trọng với những cảm xúc rất riêng. Có thể nói, với chiến lược kinh doanh của mình, ban Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui đã lần lượt cho ra đời những dịch vụ du lịch mới lạ, chất lượng cao, gắn phát triển du lịch với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Nam Tây Nguyên nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân địa phương và du khách. Phát triển ngành “công nghiệp không khói” tại Madagui Forest City trên cơ sở dựa vào thiên nhiên, tôn trọng những giá trị vốn có của thiên nhiên theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường; gắn văn hóa du lịch với văn hóa truyền thống là mục tiêu mà Ban Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Madagui luôn hướng tới. Tới đây, tại hồ cảnh quan 24 ha nằm trong khu du lịch cũng sẽ mọc lên những công trình đồ sộ với 100 Villa cao cấp xung quanh hồ, nhà hàng fastfood, bãi tắm thơ mộng cùng một trò chơi dưới nước… Tại khu vực Nhà hàng Muông Xanh cũng xuất hiện một khu chợ nông – lâm sản, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch, đồng thời giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc thù của địa phương.
Biến tiềm năng trở thành hiện thực là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. “Đánh thức” tiềm năng du lịch rừng Madagui bằng hàng loạt dự án quy mô lớn với tổng kinh phí đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng là một việc làm rất đáng ghi nhận của Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Madagui. Giờ đây, tại cửa ngõ phía Nam Lâm Đồng một Madagui Forest City cũng đã và đang được hình thành, mở ra triển vọng mới góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” ở Lâm Đồng phát triển.
Nguồn : Báo Lâm Đồng