Tham quan các tuyến điểm di tích lịch sử là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh lữ hành, nhưng tại sao một “bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới” như trong bài viết “Qua ải Chi Lăng” của tác giả Lê Đức Dục đăng trên Tuổi Trẻ ngày 19-2-2012 lại vắng người đến thăm và mỗi khách cũng chỉ lưu lại vài chục phút?
Xin giới thiệu những ý kiến tâm huyết nhằm tạo sức hấp dẫn cho di tích lịch sử với du khách trong và ngoài nước.
|
Đường cái quan qua ải Chi Lăng - Ảnh: Việt Dũng |
GS.TS-KTS Hoàng Đạo Kính:
Cần một thái độ trân trọng và ứng xử khôn khéo
Trước hết, cần phải thừa nhận rằng với di tích lịch sử cực kỳ quan trọng như ải Chi Lăng, chúng ta đã quá thiếu những điều kiện cần và đủ để có thể biến địa danh này thành một điểm đến mang tính lịch sử - văn hóa hấp dẫn.
Chiến tích thì vang dội nhưng tất cả chứng cứ lịch sử vật chất đã chìm lấp trong đất bụi và thời gian. Những gì còn lại là con đường, những dãy núi, dòng suối, cây cối...
Trên thế giới, những địa danh chiến trận tương tự như Waterloo (Bỉ) hay Borodino (Nga), các nước sở tại có bề dày văn hóa về bảo tàng, du lịch... đã rất thành công khi sưu tập hiện vật và xây dựng khu tưởng niệm cũng như các bảo tàng, tượng đài để ghi dấu ấn lịch sử và thu hút khách du lịch.
Ở VN, những địa danh như Chi Lăng với tầm quan trọng lịch sử của nó và với những gì ít ỏi còn lại, chúng ta có đủ yếu tố cấu thành một di tích nên và cần được vĩnh cửu hóa một cách đơn giản và trang trọng nhất: một hình thức nghệ thuật hoành tráng và gây cảm xúc, nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ đến một trang sử lừng lẫy của dân tộc. Tương tự là rất nhiều địa danh mang ý nghĩa không kém phần vĩ đại như Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương, Rạch Gầm...
|
Tượng đài chiến thắng Chi Lăng - Ảnh: Lê Đức Dục |
Ải Chi Lăng nằm trên đường cái quan (quốc lộ 1A) chắc chắn sẽ là điểm dừng của du khách, nên chắc chắn những công trình được xây dựng ở đó phải mang đến những thông tin thị giác quan trọng nhất, đập ngay vào tri giác và cảm xúc của người xem. Nhưng những gì còn lại không đủ để khách dừng chân và chiêm nghiệm lâu (để làm việc đó đã có bảo tàng và thư viện), nên cần xây dựng rất đơn giản, dựa trên những sử liệu chính xác về kiến trúc, trang phục, màu sắc... ở thời điểm 600 năm trước.
Sinh thời, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có yêu cầu tôi và các cộng sự lập đề án quy hoạch khu di tích Côn Đảo và khu di tích An toàn khu trung ương cục miền Nam. Ông lưu ý đến tính chân xác và khả năng gây xúc cảm với người đương thời của di tích, đồng thời nhấn mạnh không được biến chúng thành di tích “chết”, cản trở sự phát triển của những công trình lân cận sẽ mọc lên trong tương lai. Rất tiếc, do nhiều nguyên nhân, những ý tưởng của ông đã không trở thành hiện thực.
Tôi rất hi vọng từ những ý tưởng của việc khôi phục ý nghĩa lịch sử cho ải Chi Lăng, quan điểm về việc bảo tồn và tôn tạo những địa danh lịch sử - văn hóa - du lịch của ông sẽ được các nhà quy hoạch văn hóa nghiên cứu và đưa vào thực tế.
Ông HOÀNG VĂN PÁO (giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lạng Sơn):
Đã có quy hoạch tổng thể cho khu di tích ải Chi Lăng
Nằm ở cửa ngõ quốc gia và quốc tế (đường bộ và đường sắt xuyên ASEAN), chúng tôi hiểu giữ gìn những di tích lịch sử có vai trò thế nào với việc thu hút du lịch. Chúng tôi hiểu rất rõ rằng toàn bộ di tích lịch sử chính là bệ đỡ cho sự phát triển của du lịch Lạng Sơn.
Từ vài năm nay, chúng tôi đã có đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử ải Chi Lăng để tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng, đồng thời quảng bá du lịch đến các địa phương như TP.HCM và bắt tay với các hãng lữ hành lớn. Kinh phí cũng lên đến vài tỉ đồng. Tuy nhiên, để biến ải Chi Lăng thành một điểm đến quen thuộc trong các tour của các hãng lữ hành thì còn cần thời gian lâu dài và cần nhiều cố gắng của địa phương cũng như sự quảng bá của các phương tiện thông tin.
Hiện tại điểm tham quan mới chỉ có bia tưởng niệm tại ải Chi Lăng và Bảo tàng Chiến thắng Chi Lăng, cách trưng bày cũng như hiện vật chưa đủ hấp dẫn. Chúng tôi đã lập xong quy hoạch tổng thể khu di tích Chi Lăng và sẽ đưa vào thực hiện trong thời gian gần đây khi được phê duyệt.
|
Để di tích thêm du khách
Nhu cầu tìm hiểu lịch sử của một dân tộc, một đất nước luôn được khách du lịch đặt lên hàng đầu cho chuyến đi của họ bên cạnh yếu tố nghỉ dưỡng, thư giãn. Nhưng ngành du lịch VN đã thật sự chú trọng thúc đẩy sức hấp dẫn của di tích lịch sử đối với du khách trong và ngoài nước?
|
Khách du lịch nước ngoài ngồi thư giãn ở sân sau Đại Nội, cố đô Huế - Ảnh: Hoàng Hải |
Muốn giới thiệu một di tích lịch sử, việc quan trọng đầu tiên là phải tạo các tuyến tour khép kín xoay quanh, những cung đường đi bộ, xe đạp vãn cảnh để giữ khách ở lại lâu hơn chứ không quày quả về ngay. Rõ ràng ải Chi Lăng có khung cảnh núi non đẹp đẽ nhường đó nhưng nếu địa phương cùng ngành văn hóa, du lịch không tổ chức khảo sát và đưa ra cung đường hợp lý thì không thể “dụ” du khách ở lại vài ngày, tiêu tiền nhiều hơn.
Trước hết nói đến chất lượng đường sá dẫn đến các di tích lịch sử. Ngoài những công trình lớn trọng điểm quốc gia hoặc nằm ngay tại các thành phố lớn tiện đi lại, thì phần lớn đường dẫn đến các di tích lịch sử đáng chú ý không đạt tiêu chuẩn, nhiều nơi thậm chí không có đường cho ôtô. Ngay như cụm lăng nhà Nguyễn ở cố đô Huế nhiều đoạn đường đồi hẹp, lổn nhổn khó đi. Một đoạn ven sông Hương lẽ ra rất thơ mộng nhưng bụi mù mịt do khai thác cát quy mô lớn. Nhìn nhóm du khách nước ngoài đạp xe thăm lăng quay về trong làn bụi thật tội nghiệp.
Một điều khá quan trọng là tạo các hoạt động phụ trợ để di tích lịch sử vẫn “sống”. Có thể tổ chức những phiên chợ đặc biệt bán món ăn đặc sản, đồ chơi truyền thống, sản phẩm thủ công tinh xảo, trò chơi dân gian để du khách trực tiếp tham gia...
Ở các nhà hát ngoài trời từ thời La Mã của Ý, người ta vẫn thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc trên sân khấu cổ vài nghìn năm tuổi, giá vé không rẻ nhưng vẫn đông người xem. Còn ở thành phố đổ nát Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ do người Hi Lạp lập nên từ thế kỷ 14-13 trước Công nguyên sau rơi vào tay La Mã, hằng ngày đều có hai suất diễn hoạt cảnh ngắn hoàng đế La Mã cùng quần thần khiến du khách tưởng mình trở lại 2.000 năm trước...
Đi và đưa khách tham quan rất nhiều di tích tại VN, ấn tượng nhất trong tôi vẫn là sự buồn tẻ. Vẻ buồn buồn hiển hiện trên những gương mặt hướng dẫn viên và sự tẻ nhạt trong những lời giới thiệu, phần thuyết trình... Kỹ năng của người hướng dẫn viên ở các khu di tích vì thế cần được trau dồi thêm, không chỉ chú trọng tới kiến thức. Cần tự làm mình có “duyên” sẽ tăng tính hấp dẫn cho bài thuyết minh.
Giữ gìn, bảo quản các hiện vật và tủ trưng bày tại các di tích lịch sử cũng là một vấn đề cần chú ý. Chúng tôi đến Huế nhiều lần và lần nào cũng thấy những tủ kính trong Đại Nội cáu bẩn, cửa tủ dùng khóa rẻ tiền, xộc xệch thiếu thẩm mỹ.
Điều cũng nên nói là việc chú ý tìm ra từng chi tiết nhỏ hút khách. Nên chăng bỏ thu vé thắng cảnh một số di tích, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhiều hơn mà tránh được khoản chi in ấn, nhân sự soát vé, quản lý sổ sách. Cũng không cần đầu tư các khu nghỉ quá đắt tiền và không sử dụng ngay được mà phối hợp tạo hệ thống nhà nghỉ, khách sạn nhỏ nhưng sạch sẽ, có phong cách riêng.
Nếu cấp quản lý và chính quyền cho người dân thấy hiệu quả và ích lợi từ việc thu hút khách du lịch, chắc chắn các hộ dân cũng sẽ đoàn kết chung tay xây dựng một điểm đến hấp dẫn. Các nhà đều trồng hoa tươi, không vứt rác bừa bãi, giữ đường sá, nơi công cộng sạch sẽ, các điểm cung cấp dịch vụ trung thực, không buôn bán chụp giật.
Hàng đoàn khách Úc muốn dừng chân ở bãi biển Mỹ Khê. Những con sóng vẫn vỗ bờ không khác gì những bãi biển khác nhưng vì sao người ta vẫn muốn đến? Họ muốn nhìn tận mắt không gian đã được ghi vào lịch sử thế giới thời chiến tranh chống Mỹ. Đó chính là giá trị lịch sử!
Nguồn : Tuổi trẻ