Với hơn 1.000 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, Hà Nội không chỉ có hậu thuẫn lớn trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn mà còn có tiềm năng lớn trong việc quảng bá và phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo thống kê mới đây của Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 1.264 làng nghề, trong đó có tới 530 làng nghề truyền thống. Không chỉ nhiều về số lượng, sản phẩm của các làng nghề còn rất phong phú về loại hình như: khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Đồng Kỵ, dát vàng quỳ Kiêu Kỵ... Hơn nữa, Hà Nội còn là một trong những trung tâm du lịch lớn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước..., do đó du lịch làng nghề Hà Nội rất có tiềm năng phát triển.Tuy nhiên, theo bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Du lịch làng nghề là một tiềm năng lớn của Hà Nội.
Nhưng hiện tại tiềm năng này chưa được phát huy, thậm chí còn đang bị bỏ ngỏ. Bởi lẽ, làng nghề Hà Nội nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung đều còn giữ được truyền thống dân tộc, trong đó có những làng cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu du lịch sinh thái, tâm linh... bên cạnh những nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn hiện nay còn yếu, môi trường ở các làng nghề cũng là vấn đề cần phải bàn. Trong khi đó, việc đa dạng hóa các sản phẩm của làng nghề, đa dạng hóa các dịch vụ, sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức để hấp dẫn và giữ chân du khách còn hạn chế.
Cần sự chung tay
Với tiềm năng lớn mà đến nay vẫn chưa phát huy được rõ ràng là một sự lãng phí. Bởi thông qua du lịch, làng nghề được quảng bá, thị trường cho các sản phẩm của làng nghề được mở rộng, nâng cao thu nhập cho người dân, đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho làng nghề và địa phương có làng nghề. Tuy nhiên để phát triển được hình thức du lịch này cần có sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền và dân cư.Là cơ quan quản lý trực tiếp, Sở Công Thương Hà Nội đã có những hoạt động hỗ trợ mang tính thiết thực nhằm đưa du lịch trở thành một sản phẩm của làng nghề. Năm 2003-2004 Sở Công Thương đã quy hoạch thêm một số điểm du lịch làng nghề truyền thống mới như: khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, tương - miến Cự Đà...
Năm 2009, sở đã tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng làng nghề lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ; thu thập thông tin về làng nghề để xuất bản sách, phim; tổ chức các lớp truyền nghề, các triển lãm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để xúc tiến thương mại; liên kết kinh doanh nhằm bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống...
Bà Vịnh cho biết: Trong đề án quy hoạch phát triển, bảo tồn làng nghề và làng nghề truyền thống sẽ có những chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng, về môi trường và về đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp...
Nếu như sự giúp đỡ của nhà nước và các cơ quan chức năng là điều kiện cần để các làng nghề phát triển, thì điều kiện đủ lại xuất phát chính từ sự năng động, sáng tạo của người dân làng nghề. Thực tế đã chứng minh, làng nghề nào người dân càng nhạy bén với thị trường, hiểu biết về tiếp thị thì càng thu hút khách du lịch. Đây cũng chính là bí quyết thành công của người dân Bát Tràng.
Về làng gốm Bát Tràng, du khách không chỉ được đi thong dong thăm các lò gốm trên chiếc xe trâu, mà còn được tự tay chế tạo sản phẩm như một thợ gốm thực thụ...những điều đó không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách mà còn là lực đẩy du khách quay lại với Bát Tràng. Ngoài ra, việc đa dạng hóa các sản phẩm của làng nghề, chuyên nghiệp hóa đội ngũ hướng dẫn viên địa phương cũng là những yếu tố cần được quan tâm./.
Nguồn : VEN