Trong một bài viết đăng tải đầu tuần này, đài Sputnik của Nga cho
biết trong bối cảnh giá cả sinh hoạt cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe
tăng cao ở nhiều nước, không ít người nước ngoài nghỉ hưu đang tìm đến Việt Nam để sinh sống.
Bài báo dẫn nhận định của chuyên gia phân tích thị trường Vương Lâm
cho biết Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố lý tưởng đối với người nước ngoài
nghỉ hưu: Việt Nam không chỉ có mức sống rẻ hơn so với đất nước họ mà
còn là nơi con người thân thiện, giúp cho những người cao tuổi cảm thấy
thoải mái.
Theo ông Vương Lâm, người cao tuổi nước ngoài thường chọn Thành phố
Hồ Chí Minh và các thành phố biển như Đà Nẵng, Nha Trang... làm nơi dừng
chân vì những điểm đến này có thời tiết nắng ấm và thuận tiện cho việc
di chuyển sang các nước khác trong khu vực.
Gần bốn năm trước, truyền thông Mỹ cũng từng nhắc đến Việt Nam như một “thiên đường” để hưởng thụ khi về già.
Trong danh sách Bảng xếp hạng 12 quốc gia tốt nhất dành cho người hưu
trí đăng trên tờ New York Post cuối tháng 12/2019, Việt Nam đứng ở vị
trí đầu tiên.
Cùng thời điểm đó, tờ Los Angeles Times nhận định tốc độ tăng trưởng
nhanh chóng ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á láng giềng đã mang đến
những điều “không thể tưởng tượng được trong quá khứ.”
“Những người Mỹ già đi đang sống một lối sống “gợi nhớ đến Florida,
Nevada và Arizona, nhưng là ở Việt Nam” - với chi phí thấp. “Chi phí
hằng tháng ở đây hiếm khi vượt quá 2.000 USD ngay cả khi sống trong một
căn hộ lớn… bao gồm cả các khoản chi trả cho những người giúp việc nấu
ăn và dọn dẹp.”
Tờ báo dẫn lời John Rockhold, một cựu chiến binh Mỹ kết hôn với người
vợ Việt và cùng các con sống trong một căn hộ bốn phòng ngủ, rộng
khoảng 170m2 với giá khoảng 250.000 USD (gần 6 tỷ đồng - tại thời điểm
mua vào năm 2011), trong một tòa chung cư 20 tầng nhìn xuống sông Sài
Gòn; cho biết ông hài lòng với những người hàng xóm thân thiện và chi
phí sinh hoạt “thấp hơn nhiều so với ở Mỹ” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam - điểm đến “nghỉ hưu” mới nổi
Bà Hoàng Minh Phương, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty Trách
nhiệm hữu hạn Joymark Travel, cho rằng Việt Nam là điểm đến “nghỉ hưu”
mới nổi đối với người nước ngoài, tuy nhiên sức hút của Việt Nam so với
một số quốc gia trong khu vực vẫn cần phải cải thiện.
“Tại Đông Nam Á, phần đông khách nước ngoài chọn mua nhà gần biển ở
những nơi như Thái Lan, Indonesia và Phillipines. Những người này thường
bán nhà và chuyển sang mua bất động sản và sinh sống tại Đông Nam Á.
Hiện số lượng người cao tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam vẫn còn thấp so
với các nước trong khu vực, tuy nhiên con số này sẽ tăng lên trong tương
lai” - bà Hoàng Minh Phương nhận định.
Ở khu vực ASEAN, Thái Lan nổi tiếng với chính sách visa mở với khách
du lịch nước ngoài, nước này có chính sách “retirement visa” dành cho
khách nước ngoài đã nghỉ hưu. Chỉ cần từ 50 tuổi trở lên và sở hữu tài
khoản ngân hàng mở tại Thái Lan - với số dư trên 800.000 bath (gần 550
triệu đồng) - khách nước ngoài có thể xin visa Thái Lan trong thời hạn
một năm.
Tháng 9 năm ngoái, Thái Lan còn kéo dài khoảng thời gian này lên đến 10 năm, kèm theo một số điều kiện nhất định.
Các quốc gia Đông Nam Á khác bao gồm Indonesia, Singapore, Campuchia,
Malaysia và Philippines đều có các chương trình visa dành riêng cho
nhóm du khách
nước ngoài đã nghỉ hưu, đưa ra nhiều quyền lợi hấp dẫn để đất nước mình
trở thành “ngôi nhà thứ hai,” “quê hương thứ hai” cho khách du lịch.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có chính sách nào như vậy.
Hiện Việt Nam mới chỉ có chính sách miễn thị thực cho công dân đến từ
25 nước trên thế giới với thời gian lưu trú từ 15-30 ngày. Các nước
trong danh sách này có thể kể đến như Chile, Panama, Campuchia,
Indonesia, Kyrgystan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đan Mạch, Na Uy…
Với du khách từ các quốc gia ngoài danh sách này, Việt Nam chỉ cấp thị thực điện tử có thời hạn một tháng.
Theo bà Hoàng Minh Phương, khách nước ngoài có mong muốn đến Việt Nam nghỉ hưu đa phần chỉ có thể chọn loại hình visa du lịch.
“Một số người có vợ hoặc chồng là người Việt Nam thì thủ tục visa
cũng không đơn giản hơn là mấy. Chính vì rào cản này, nhiều người cao
tuổi nước ngoài muốn đến Việt Nam nghỉ hưu nhưng ngần ngại vì không yên
tâm chuyện visa” - bà Hoàng Minh Phương chia sẻ.
Theo bà Phương, trong bối cảnh có sự cạnh tranh không nhỏ giữa các
nước ASEAN trong việc thu hút những người hưu trí nước ngoài, nếu Việt
Nam có chính sách tốt tạo điều kiện cho những người nước ngoài “phù hợp”
đến “dưỡng già” thì đó sẽ là nguồn lợi kinh tế không nhỏ - một nguồn
thu ngoại tệ tốt cho ngân sách quốc gia./.