TITC - Đây là một trong những đề xuất của tỉnh Đắk Nông tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng nay (8/8/2017) tại trụ sở Bộ VHTTDL.
Buổi làm
việc do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì có sự tham gia
của lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL. Về phía tỉnh Đắk
Nông có bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
lãnh đạo Sở VHTTDL và các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh.
Theo báo
cáo của đoàn công tác, trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của
Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ VHTTDL, lĩnh vực
văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng
khích lệ.
Nhằm tạo
đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời nhận thấy
những giá trị về mặt khoa học, sự phân bố tài nguyên và các giá trị văn
hóa phát hiện tại hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk
Nông đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh hiện nay là
tập trung xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hệ thống hang động
núi lửa Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu, qua đó góp phần thúc
đẩy phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông.
Tại buổi
làm việc, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng đề
xuất Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Công viên địa chất núi
lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông vào danh mục khu du lịch quốc gia trong
định hướng phát triển khu du lịch quốc gia của vùng Tây Nguyên. Đồng
thời đề nghị Bộ VHTTDL hỗ trợ tỉnh trong công tác bảo tồn di sản văn hóa
trong Công viên địa chất khu vực Krông Nô nhằm đáp ứng một số tiêu chí
để UNESCO công nhận Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô là Công
viên địa chất toàn cầu.
Đánh giá về
hoạt động du lịch của tỉnh Đắk Nông trong những năm qua, Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng du lịch Đắk Nông chưa
phát triển tương xứng với tiềm năng, lượng khách du lịch đến địa phương
còn thấp so với cả nước. Phó Tổng cục trưởng cũng chia sẻ những khó khăn
mà tỉnh gặp phải như kinh tế còn khó khăn, nguồn lực đầu tư ít, giao
thông đi lại chưa thuận lợi, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Phó Tổng
cục trưởng đề nghị tỉnh Đắk Nông cần có cơ chế chính sách đặc thù, ưu
đãi cho các nhà đầu tư du lịch tại địa phương; phát triển các sản phẩm
du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm; tăng cường liên
kết vùng; tổ chức các đoàn khảo sát nhằm đánh giá đúng và khai thác hợp
lý nguồn tài nguyên, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Phó Tổng cục
trưởng cũng ủng hộ đề xuất của tỉnh về việc đưa Công viên địa chất núi
lửa Krông Nô vào danh mục khu du lịch quốc gia.
Phát biểu
tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ghi nhận những đóng góp
của tỉnh Đắk Nông trong sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch. Đặc biệt
là việc xác định du lịch là một trong những tiềm năng lớn để phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh những giá trị về tự nhiên, địa chất,
Đắk Nông là một trong những tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với
bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo. Do đó, việc phát triển du lịch cũng
cần dựa vào các giá trị văn hóa của địa phương.
Thứ trưởng
nhất trí với những đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông, đồng thời đề nghị các
đơn vị thuộc Bộ VHTTDL hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh triển khai các thủ tục
cần thiết liên quan tới việc bổ sung Công viên địa chất núi lửa Krông
Nô, tỉnh Đắk Nông vào danh mục khu du lịch quốc gia; và việc xây dựng hồ
sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Bên cạnh đó, hỗ
trợ các dự án khôi phục giá trị văn hóa, phục vụ du lịch cộng đồng tại
địa phương; hỗ trợ đề án bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa
cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn
tạo một số di tích lịch sử cấp quốc gia và bảo tồn khẩn cấp các loại
hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền cao trên địa bàn tỉnh.
Hang
động núi lửa khu vực Krông Nô được phát hiện năm 2007. Sau một thời
gian nghiên cứu, tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Viện Địa chất và Khoáng
sản Việt Nam tổ chức công bố những phát hiện ban đầu về giá trị địa chất
của hệ thống hang động và công viên địa chất khu vực Krông Nô vào tháng
12/2014.
Theo
đó, Công viên địa chất Krông Nô có tiềm năng phong phú về di sản văn
hóa, di sản thiên nhiên. Điểm nổi bật của công viên là hệ thống các hang
động ở đây được hình thành trong đá bazan chứ không phải đá vôi như đa
số các hang động khác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khu vực huyện Krông Nô
và vùng kế cận có sự đa dạng về sinh học, lịch sử văn hóa và các di sản
văn hóa với Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, rừng đặc dụng Đ’ray Sáp,
nằm trong không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nhiều di tích
lịch sử cấp quốc gia...