Đại sứ Thái Lan tại Lào vừa đưa ra đề xuất rằng Thái Lan, Lào và Việt Nam nên cùng nhau xây dựng hai tuyến đường 8 và 12 nối ba quốc gia nhằm phục vụ du lịch sinh thái hơn là chỉ tập trung vào tuyến đường giao thông 9.
Thác Tad Pha Suam thuộc tỉnh Champasak ở phía tây nam Lào là một điểm thu hút du khách.
Ông Vitavas Srivihok, Đại sứ Thái Lan tại Viên Chăn, cho hay Thái Lan nên thảo luận vấn đề trên với Lào và Việt Nam do đường 8 và 12 có tiềm năng tốt cho du lịch sinh thái vì dọc hai tuyến đường này có nhiều hang động, thác nước và các thắng cảnh hấp dẫn du khách khác.
Đường 8 nối Nakhon Phanom tại Thái Lan với Khammouane của Lào trước khi gặp tuyến 12 tại Lào nối với Đồng Hới, Việt Vam và tiếp tục đi Trung Quốc. Đường 9 nối Mukdahan tại Thái Lan qua Savannakhet của Lào tới Đà Nẵng, Việt Nam.
Ông Vitavas hi vọng rằng khi cây cầu Thái Lan-Lào thứ 3 qua sông Mekong, nối Nakhon Phanom của Thái Lan với Khammouane của Lào, khánh thành vào tháng 11 năm tới, cầu sẽ giúp thúc đẩy du lịch và thương mại trên tuyến đường số 8.
Đại sứ Vitavas cho biết ông muốn tận dụng hành lang kinh tế làm hành lang du lịch vì Lào là địa điểm tốt nhất để tạo ra một mối liên kết với 4 quốc gia: Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam.
“Đi qua Lào là con đường ngắn nhất. Nếu các con đường tại Lào có thể được kết nối, chúng ta có thể đi tới 5 nước trong khu vực”.
Đường 9 tại tỉnh Quảng Trị dài hơn 330 km, bắt đầu tại Đông Hà (nơi giao nhau với Quốc lộ 1A) chạy qua cửa khẩu Lao Bảo đến Savannakhet, Lào. Hiện tại, con đường này trở thành một phần trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây dài 1.450 km liên kết 4 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar. (Theo Wikipedia) |
Ông Vitavas cũng hối thúc các thành viên của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia và phía nam Trung Quốc - tăng cường hợp tác du lịch.
Ông Vitavas cho rằng thúc đẩy du lịch là một cách tốt để giúp xoá bỏ đói nghèo vì du khách nước ngoài thích tới thăm nhiều nước châu Á cùng lúc nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
“Nhiều nước trên thế giới đã cùng nhau thúc đẩy du lịch vùng, như các nước ở châu Âu, các quốc gia Carribê và các quốc đảo ở Thái Bình Dương”.
Cũng theo ông Vitavas, để thúc đẩy du lịch trong vùng, cần có một visa thống nhất và cơ sở hạ tầng chung.
Ông Vitavas cho hay chiến lược thúc đẩy du lịch nên bao gồm một khu chợ chung của từ 3-5 nước và coi đây là một điểm đến. Ngoài ra, cũng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đơn giản các thủ tục xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của lĩnh vực tư nhân và thúc đẩy hạ tầng liên quan tới du lịch.
Nguồn : Bangkokpost