Đó là ý tưởng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đưa ra, nhằm tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Đà Nẵng và có một không hai ở Việt Nam để thu hút du khách.
Hiện tại, thời điểm cầu bắt đầu quay là từ 1 giờ sáng cho tàu lớn qua lại. Tuy nhiên, để du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng cầu quay Sông Hàn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất UBND thành phố cho phép cầu quay vào khoảng 12 giờ đêm hoặc sớm hơn. Khảo sát của Sở này cho thấy, từ khoảng 11 giờ 30 đến 12 giờ đêm lưu lượng người qua cầu không cao.
Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cũng cho hay, hiện nay lưu lượng tàu ra vào ít, mỗi ngày chỉ có khoảng 1 - 2 tàu lớn qua lại, có ngày không có tàu nào. “Ngoài ra đến tháng 5-2012, khi cầu Rồng đóng luồng sẽ không tàu nào vào được cảng Sông Thu. Bên cạnh đó theo chủ trương của UBND thành phố, sắp đến cảng Sông Thu sẽ di dời về địa điểm mới gần cầu Thuận Phước. Các trường hợp đi lại cần thiết có thể đi qua cầu Thuận Phước hoặc cầu Nguyễn Văn Trỗi, hoặc có thể qua cầu Rồng khi dự án thi công xong sau này. Như vậy, cầu Sông Hàn sẽ ít bị ảnh hưởng và bảo đảm vấn đề giao thông phía trên cầu cũng như dưới cầu”, ông Huỳnh Đức Trung, Phó phòng Quản lý lữ hành của Sở đánh giá.
Cũng theo ông Trung, bản thân cầu Sông Hàn đã là điểm nhấn cho phố đi bộ đường Bạch Đằng do thiết kế đẹp, có đèn trang trí rực rỡ. Vì vậy, việc ngồi ngắm cầu quay vào thời điểm không quá khuya sẽ đáp ứng nhu cầu của rất nhiều du khách muốn tìm hiểu khám phá Đà Nẵng. Trong lúc chờ đợi xem cầu quay, khách có thể sử dụng các dịch vụ bổ sung khác như uống cà-phê, nước mía, trái cây, ăn đêm, mua sắm, chụp ảnh…, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch nhộn nhịp về đêm. Ngoài ra, có thể tổ chức các dịch vụ bổ sung trên cầu để vừa ngắm cầu quay vừa thưởng thức dịch vụ thêm.
Nguồn : Báo Đà Nẵng