Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đối với du lịch các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng, chiến lược này tiếp tục khẳng định đây là vùng du lịch trọng điểm quốc gia.
Theo đó, đến năm 2030, ngành Du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP 15-17%, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.
Là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững
Quan điểm của chiến lược này là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đồng thời, chiến lược nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa đạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100-3.200 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 11-12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%. Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.
Trải nghiệm sản phẩm du lịch cộng đồng Làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa). Ảnh: TRẦN QUỚI
9 nhóm giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đặt ra 9 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó, hàng đầu là tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Cần phải nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam. Chiến lược cũng đề ra các giải pháp: Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ; quản lý nhà nước về du lịch.
Chiến lược xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch phát triển du lịch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và du lịch; chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, các chương trình, đề án phát triển du lịch chuyên đề về thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá.
Chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ đột phá: Phát triển kết cấu hạ tầng sân bay, cảng biển du lịch quốc tế, các tuyến đường bộ kết nối với các khu du lịch quốc gia; tạo thuận lợi cho khách du lịch, nhất là về thủ tục cấp thị thực cho khách quốc tế; đầu tư hình thành một số cụm du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; phát triển du lịch thông minh, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số; phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch văn hóa với trải nghiệm...
Lợi thế của du lịch Phú Yên
Đối với du lịch các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng, chiến lược này tiếp tục khẳng định đây là vùng du lịch trọng điểm quốc qia. Xác định kinh tế ven biển miền Trung có vai trò động lực trong chiến lược kinh tế 2021-2030, trong đó du lịch đóng vai trò trung tâm trong chiến lược liên kết vùng. Năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng. Theo TS Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có lợi thế lớn về địa chiến lược, là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có địa phận trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Quy hoạch phát triển Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu: Phát triển ngành Du lịch Phú Yên từng bước trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển các tour du lịch chuyên đề: tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh; ẩm thực, mua sắm; du lịch khám phá, mạo hiểm…; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên...
Theo baophuyen.com.vn