Với không gian hiện đại và số hóa gần như toàn bộ quy trình vận hành, Bảo tàng Đà Nẵng trong ngôi nhà mới đang khoác lên mình diện mạo mới để trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách đến Đà Nẵng.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao và lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng kiểm tra quy trình vận hành của Bảo tàng Đà Nẵng tại trụ sở mới. Ảnh: Đoàn Hạo Lương
Đổi mới giải pháp và nội dung trưng bày
Bảo tàng Đà Nẵng tại cơ sở mới được đầu tư xây dựng trên tổng diện tích 8.686m², gồm 1 khối bảo tàng xây mới (1 tầng hầm, 3 tầng nổi), hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh đồng bộ. Đây là dự án cải tạo, nâng cấp các khối nhà 42 - 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú được khởi công từ giữa năm 2021 với tổng mức đầu tư 504,9 tỷ đồng để tiếp nhận, trưng bày hiện vật của bảo tàng. Sau khi hoàn thành, bảo tàng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, góp phần giáo dục và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân cũng như du khách.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, bảo tàng tại cơ sở mới có quy mô lớn hơn và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan vào ngày 29-3-2025. Giải pháp trưng bày, tính trải nghiệm và nội dung trưng bày cũng được đổi mới nhưng vẫn dựa trên những chủ đề câu chuyện hiện vật mà bảo tàng đã lưu giữ và trưng bày trước đây.
Khi chuyển qua trụ sở mới, bố cục được sắp xếp theo lộ trình, câu chuyện liên quan đến dòng lịch sử và văn hóa con người Đà Nẵng từ thời tiền - sơ sử cho đến nay được trưng bày, giới thiệu qua từng chủ đề. Cụ thể, tại phòng khánh tiết, du khách sẽ tiếp cận một bức tượng ảnh với 76 tấm ảnh, mỗi tấm ảnh đại diện cho mỗi chủ đề trưng bày bên trong bảo tàng. Từ đó bước đầu tạo cho du khách tiếp cận nội dung câu chuyện đang diễn ra và chuẩn bị diễn ra để khám phá toàn bộ câu chuyện hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.
Sau khi kết thúc khám phá bức tượng ảnh, du khách sẽ xem một phim ngắn 3 phút giới thiệu về vẻ đẹp thiên nhiên của Đà Nẵng, để có cái nhìn tổng quan về lịch sử và điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng. Sau đó sẽ bước vào gian trưng bày về thiên nhiên để tham quan tìm hiểu các phức hệ thiên nhiên của Đà Nẵng như phức hệ Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân...; đồng thời giới thiệu địa hình sông ngòi, hệ sinh thái rừng và thảm thực vật thông qua những thước phim tư liệu ngắn cùng những cơn bão mà chính quyền và người dân chung tay ứng phó.
Qua đó, tuyên truyền giáo dục người dân đề cao cảnh giác trong việc chủ động phòng chống lụt bão. Tiếp theo, du khách sẽ chìm đắm trong bộ phim 3D mapping khi giới thiệu về sinh thái biển Đà Nẵng. Đây là ứng dụng công nghệ đầu tiên trong bảo tàng hiện nay trên cả nước giúp du khách hòa mình trong thế giới đại dương. Giải pháp trưng bày này vừa sử dụng công nghệ ánh sáng, công nghệ mapping, công nghệ thế giới ảo để giới thiệu câu chuyện thế giới sinh thái biển của Đà Nẵng và địa chất khoáng sản thông qua các mẫu khoáng sản.
Đưa du khách vào không gian văn hóa, lịch sử
Sau khi kết thúc phần thiên nhiên sẽ đến phần con người, du khách sẽ được giới thiệu Đà Nẵng thời tiền - sơ sử. Đặc biệt là tìm hiểu nền văn hóa Sa Huỳnh tiền Chăm pa, các di chỉ khảo cổ học liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh và người việt cổ đã có mặt cách đây 3.500 năm, cùng di chỉ khảo cổ học vườn đình Khuê Bắc ở Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Tiếp đến là Đà Nẵng với dấu ấn thời kỳ văn hóa Chăm và lịch sử làng xã Đà Nẵng với mốc lịch sử năm 1306 khi vua Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho quốc vương Chiêm Thành Chế Mân. Sự hình thành làng xã rõ nét nhất là thời kỳ vua Lê Thánh Tông có một cuộc hình trình Nam tiến.
Tiếp theo là giới thiệu về thương cảng sầm uất thời phong kiến cùng những sa bàn, nhật ký hành trình, hải trình của các đoàn tàu phương Tây vào thương cảng Đà Nẵng đến Hội An thông qua sông Hàn và sông Cổ Cò. Sau khi kết thúc phần Đà Nẵng thời phong kiến sẽ đưa du khách đến tham quan phần tiếp biến giao lưu văn hóa khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ Việt Nam. Đà Nẵng bắt đầu bước vào giai đoạn thời kỳ thuộc Pháp và trở thành nhượng địa của Pháp.
“Một công trình lịch sử được xây dựng đầu tiên ở Đà Nẵng chính là ngôi nhà Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay. Câu chuyện nhà bảo tàng là câu chuyện lịch sử Đà Nẵng thời thuộc Pháp và người Pháp đã xây dựng trung tâm hành chính đầu tiên để đặt sự cai trị cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đó là tòa Đốc lý. Sau năm 1975 là trụ sở UBND thành phố và HĐND thành phố, nay là Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là một hiện vật lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử hành chính công và lịch sử hình thành phát triển đô thị Đà Nẵng như hiện nay. Đặc biệt, Đà Nẵng thời thuộc Pháp (1888-1945) sẽ nói lên câu chuyện giao thoa văn hóa Việt - Pháp, đó là sự hình thành đô thị Đà Nẵng, những phố chợ và văn hóa bán buôn vỉa hè”, ông Thiện chia sẻ.
Đà Nẵng thời kỳ 1945-1975 sẽ là những câu chuyện giao thoa, tiếp biến văn hóa Đà Nẵng có yếu tố văn hóa Mỹ du nhập vào đời sống thị thành của cư dân Đà Nẵng. Song song đó là cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Quađó giới thiệu Đà Nẵng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Du khách sẽ được giới thiệu các phong trào yêu nước nổ ra ở Đà Nẵng bắt đầu từ câu chuyện Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp.
Đà Nẵng qua hai thời kỳ 1945-1954 và 1954-1975 là những câu chuyện Đà Nẵng - thành phố anh hùng, khúc ca khải hoàn giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975. Đặc biệt, trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay là nơi hai lần lá cờ Tổ quốc tung bay: Năm 1945, cờ Tổ quốc tung bay trên tòa Đốc lý và năm 1975, cờ Tổ quốc tung bay trên Tòa thị chính. Và sau đó là tung bay mãi mãi cả một chặng đường dài hội nhập và phát triển của Đà Nẵng - thành phố đáng sống, thành phố anh hùng.
Bảo tàng Đà Nẵng ứng dụng các công nghệ khoa học nhằm tạo cho du khách có cảm xúc đặc biệt dâng trào, chứ không chỉ lưu trữ, bảo quản, sắp đặt hiện vật. Du khách được hưởng thụ các giá trị văn hóa thông qua các phương tiện công nghệ.
“Lâu nay, các hiện vật đều được trưng bày tĩnh thì nay tất cả hình ảnh đó được “sống lại” khi vừa tĩnh vừa động.
Như vậy, bảo tàng mới đáp ứng được hai nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học. Tất cả không gian bảo tàng đều sử dụng công nghệ 3D mapping, phim 2D, 3D và những sline hình ảnh để kết nối dòng thời gian và câu chuyện nhờ nghệ thuật ánh sáng, nghệ thuật nghe nhìn, nghệ thuật màu sắc gắn với không gian khung màu lịch sử để giúp du khách có sự nhận diện về cảnh quan, không gian trưng bày”, ông Thiện nhấn mạnh.
Đoàn Hạo Lương
Báo Đà Nẵng Online - baodanang.vn - Ngày 19/01/2025