Là một di sản văn hóa nghệ thuật quý nhưng trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay đình Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) đã có nhiều chỗ bị xuống cấp, hư hỏng.
Đầu đao và mái ngói phía đông tòa tiền tế có nguy cơ đổ sập nhiều năm nay
Di sản văn hóa nghệ thuật
Đình Thạch Lỗi được khởi dựng từ cuối thế kỷ 17. Đình thờ 2 vị thành hoàng làng có công với triều Tiền Lý là tướng Lý Bảo Quốc và vợ ông là bà Vũ Thị Hương. Lý Bảo Quốc là vị tướng lập được nhiều chiến công, sau này ông đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Khi chồng đi đánh giặc, bà Vũ Thị Hương động viên mọi người chăm lo sản xuất, đóng góp lương thực cho quân sĩ. Nghe tin chồng mất, bà gieo mình xuống ao tự vẫn. Cảm kích trước công lao của vợ chồng bà, nhà vua ban tước, phong thần cho tướng quân Lý Bảo Quốc là "Đô hộ đại vương", "Thượng đẳng phúc thần", phong bà Vũ Thị Hương là "Thái hậu khánh phu nhân". Biết ơn ông bà, dân làng tôn ông bà là thành hoàng, thờ ở đình làng.
Đình có quy mô lớn gồm tòa tiền tế 7 gian, tòa đại đình 9 gian và hậu cung 3 gian. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhìn chung phần trang trí ở cả 3 tòa vẫn khá công phu, mang dấu ấn đặc trưng của mỗi giai đoạn nghệ thuật. Có thể coi đó là những tác phẩm nghệ thuật lớn, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao. Đặc biệt là sự xuất hiện của phong cách nghệ thuật dân gian thời Lê trung hưng (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18) khá hiếm ở các đình làng nói chung với những đề tài, hình ảnh dân dã, phản ánh đời sống tư tưởng và tinh thần phong phú của người dân quê Việt Nam. Do thời gian và không gian tồn tại dòng nghệ thuật này tương đối hạn hẹp nên những di tích có sự pha trộn giữa 2 dòng nghệ thuật dân gian và chính thống như di tích đình Thạch Lỗi không nhiều. Vì thế có thể coi đây là một di sản văn hóa nghệ thuật quý giá của nước ta.
Tòa tiền tế của ngôi đình được lợp bằng ngói ta theo kiểu tàu đao lá mái, thoải dần và sâu với 4 đầu đao trang trí hình rồng chầu cong vút. Giữa nóc đình đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Tòa tiền tế được dựng bởi 4 hàng cột lớn, mỗi vì 4 cột, các cột liên kết với nhau bằng các con rường, kèo, kẻ và bẩy. Tòa đại đình chia thành 9 gian, 10 vì, mỗi vì 6 cột, các cột liên kết với nhau bằng các con rường, kẻ, bẩy, kẻ hiên và bẩy hiên. Hậu cung gồm 3 gian, kiến trúc đơn giản, mỗi vì 4 cột, liên kết cột bằng các kèo, kẻ với chân mộng thẳng, vì nóc kết cấu con chồng đấu vuông.
Điều đặc sắc tại đình Thạch Lỗi là hệ thống hoa văn chạm khắc tại các đầu dư, đuôi kẻ, đầu bẩy và các bức cốn. Tại tòa tiền tế và đại đình, các gian chính giữa được trang trí với thể thức nghiêm ngặt của hệ tư tưởng phong kiến chính thống với các hình ảnh chủ yếu là mây, rồng, phượng, hổ đứng, hổ nằm... với đường nét trau chuốt, bay bướm. Nhưng ở các gian phụ có nhiều hình ảnh đậm màu sắc dân gian như hai con trâu húc nhau, ngựa đuổi nhau... với đường nét mềm mại, khỏe khoắn. Ở một chân tàu phía đông tòa đại đình, người nghệ sĩ dân gian đã khắc họa cảnh tượng người vợ cho con bú, người chồng đứng đằng sau nhìn xuống. Giữa chốn thâm nghiêm, nơi thể hiện quyền uy của hệ tư tưởng phong kiến, các nghệ sĩ dân gian đã góp vào đây tiếng nói riêng của tầng lớp nông dân trong xã hội.
Cần sớm tu bổ
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, ngôi đình gắn bó với quê hương Thạch Lỗi như một chứng tích lịch sử. Thời phong kiến, đây là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân. Đến thời kháng chiến chống Pháp, ngôi đình trở thành địa điểm liên lạc an toàn, bí mật của các chiến sĩ cách mạng. Thời chống Mỹ, ngôi đình trở thành kho cất trữ lương thực an toàn của huyện. Sau này, ngôi đình trở thành cái nôi của nghệ thuật tuồng Thạch Lỗi nổi tiếng xứ Đông. Đến nay hiện vật trong đình không còn nhiều. Một trong những hiện vật lâu đời là tấm bia khắc ghi công đức dựng đình từ thời Lê trung hưng, trán bia tròn, khắc chìm chữ “lưỡng long chầu nguyệt” văn mây và lá đề, mặt bia đã mòn ít nhiều. Năm 1996, đình Thạch Lỗi được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.
Từ khi xây dựng đến nay ngôi đình đã trải qua nhiều lần tu sửa. Lần được tu sửa mới nhất là năm 2018 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng phục hồi tàu góc đao, câu đầu, quá giang, bờ mái… Dù vậy, đến nay ngôi đình còn nhiều chỗ hư hỏng nặng. Hàng chục năm nay đầu đao phía đông tòa tiền tế đã bị mục có nguy cơ sụp đổ. Mái ngói phía đông tòa tiền tế cũng bị xô, sụt, cả đầu đao và mái ngói đều phải gia cố bằng cột để chống đỡ. Mỗi lần mưa xuống tòa tiền tế thường xuyên bị ngập, người trông coi phải dùng máy bơm nước ra ngoài để hạn chế hư hỏng. Đầu đao tòa đại đình phía tây bị gẫy cụt hàng chục năm nay cũng phải chống đỡ bằng cột. Một số cột cái, cột quân bị mục. Một số dui, hoành, xà, vì kèo gãy hở mộng. Phía đông tòa tiền tế là nơi người dân địa phương tập trung để xem hát tuồng, biểu diễn văn nghệ mỗi khi diễn ra lễ hội, vì vậy tình trạng xô, sụt, có thể sụp đổ ở đây không bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Đình Tưởng, 62 tuổi, Phó Ban khánh lễ đình Thạch Lỗi cho biết: “Trưởng thành cùng những lần cùng bạn bè chơi cút bắt, ngày lễ hội háo hức chen chúc ở sân đình xem hát tuồng, đối với thế hệ chúng tôi ngôi đình làng đã trở thành một phần của quê hương và máu thịt mình. Nay thấy ngôi đình xuống cấp chúng tôi rất xót xa”.
Không chỉ là cái nôi của nghệ thuật tuồng, điểm tựa tâm linh của người dân, đình Thạch Lỗi là tiêu bản quý giá về kiến trúc và nghệ thuật trong cả nước, cần sớm được quan tâm nâng cấp, tu bổ, phát huy giá trị văn hóa và lịch sử.