Tập trung vào khách nội địa, tạo tiền đề đón khách quốc tế, doanh thu đạt 50% so với trước dịch... là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp du lịch trong năm mới.
2021, ngành du lịch Việt Nam đã gặp thêm vô số khó khăn khi tình hình Covid-19 tiếp tục trầm trọng hơn. Thế nhưng, những người làm du lịch trong nước đều khẳng định mọi thứ sẽ dần khởi sắc trong giai đoạn bình thường mới năm 2022, tạo tiền đề bứt phá những năm tiếp sau đó.
Premier Village Primavera Nam Phú Quốc với phong cách Địa Trung Hải là điểm check-in mới thu hút nhiều du khách tại Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Thành
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, Tập đoàn Sun Group không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Minh Trường, nhận định năm tới ngành du lịch sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức, áp lực, song sẽ thích nghi sâu hơn với việc "sống chung với dịch".
Theo ông Trường, hai năm xảy ra đại dịch cũng khiến mọi người hiểu ra du lịch là một phần thiết yếu trong cuộc sống và là mảnh ghép quan trọng với nền kinh tế. Hiện nay, du lịch nội địa và quốc tế đang dần phục hồi, sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới.
Nội địa là "bình oxy" nhưng không bỏ lơ khách quốc tế
Chia sẻ về kế hoạch trong năm tới, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết công ty ưu tiên phục hồi du lịch nội địa, tạo tiền đề đón khách du lịch quốc tế. Ngay sau khi nhận tín hiệu tốt từ thị trường, công ty liên tiếp triển khai nhiều sự kiện khuyến mãi 11/11, 12/12, Black Friday, Ngày hội Du lịch TP HCM... và chương trình ưu đãi Tết (20/12/2021-28/2/2022).
Vietravel chuẩn bị sẵn sàng đón đầu xu hướng, tập trung vào thị trường tiềm năng Đông Bắc Á, châu Âu, đặc biệt là Nga. Trước thông tin mở lại đường bay thương mại quốc tế, dự kiến trong tháng 1 này, công ty sẽ triển khai các sản phẩm tour du lịch nước ngoài đến những quốc gia có độ an toàn cao, không có điều kiện cách ly với du khách như Thái Lan, Dubai, châu Âu, Mỹ...
Vietravel là một trong những công ty lữ hành khởi động lại tour du lịch từ TP HCM, bắt đầu từ tour tri ân đội ngũ y, bác sĩ trong tháng 10.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, một trong những doanh nghiệp đón khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và kinh doanh du thuyền nhận định thị trường nội địa là "bình oxy" vì có tiềm năng lớn, sức bật lớn sau 2 năm bị nén do Covid-19.
Năm 2020, du thuyền sang trọng trước đây chủ yếu dành cho khách quốc tế, nay lại thu hút khách nội địa mạnh mẽ. Trong 3 tháng hè, du thuyền không đủ phòng để bán. Từ 1/12/2021, 3 du thuyền ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Lan Hạ (Hải Phòng), Nha Trang (Khánh Hòa) đều đã được book cuối tuần, thậm chí cả Tết Nguyên đán. Sản phẩm sắp tới của công ty vẫn là du lịch nội địa cao cấp, với kế hoạch đóng tàu 150 cabin, phục vụ du khách trải nghiệm từ vịnh Lan Hạ tới Phú Quốc.
Khách quốc tế chiếm 80% trước Covid-19, song Công ty Chua Me Đất (Oxalis Adventure) xác định năm 2022 sẽ tập trung vào thị trường khách nội địa. Giám đốc điều hành, ông Nguyễn Châu Á, cho rằng người Việt có nhu cầu du lịch lớn, khả năng chi trả cao và trong mùa hè năm tới sẽ chưa thể có nhiều khách quốc tế. Minh chứng cụ thể trong 2 năm qua, khi có dịch Covid-19, công ty phục vụ hơn 10.000 khách Việt, tour Sơn Đoòng đã kín 95% trong năm 2022, hầu hết là du khách trong nước.
Hiện Oxalis bắt đầu chiến dịch quảng bá quốc tế 2023 và cuối tháng 1 sẽ đón đoàn của BBC về quay phim tại Phong Nha (Quảng Bình). Từ tháng 2, công ty mở bán tour cho khách quốc tế mùa du lịch năm 2023 (khởi động từ tháng 11/2022).
Sẵn sàng đón đầu rủi ro nhưng luôn lạc quan
"Chúng tôi xác định rằng, nếu cứ ngồi yên chờ giông bão đi qua thì có thể bị nhấn chìm trước khi có cơ hội vượt bão. Do vậy, dẫu khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm lựa chọn thay đổi để thích nghi với tình hình mới", Chủ tịch Sun Group nói về quyết tâm vượt qua đại dịch.
Trong năm qua, tập đoàn "thay áo mới" cho tất cả các dự án trên cả nước, bổ sung nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Đồng thời đón đầu xu hướng với du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng như resort suối khoáng nóng (Quang Hanh, Quảng Ninh), quần thể vui chơi ngôi làng nhiệt đới ở Nam Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời Sun cũng ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại giúp tối ưu hóa hoạt động quản trị và sản xuất kinh doanh. Năm tới, mục tiêu của tập đoàn là tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái 3 chân kiềng (khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú và bất động sản) đồng bộ, đẳng cấp trên cả nước.
Tương tự, ông Phạm Hà tin tưởng "ngành du lịch đã dần bước khỏi đường hầm, có thể nhìn thấy và đoán định tương lai". Bí quyết trong 2 năm qua luôn là chuyển đổi linh hoạt, tái cấu trúc, sáng tạo, phục hồi, sau đó phát triển, tinh gọn lại tổ chức, chuyển đổi từ phục vụ 100% khách quốc tế sang nội địa cao cấp và phát triển du lịch bền vững, kết hợp chăm sóc sức khoẻ.
Lux Group đặt mục tiêu đạt doanh số bán hàng bằng 50% của 2019, thời điểm trước dịch, tạo tiền đề phát triển từ 2023 và đạt mức tăng trưởng 2019 vào năm 2025. Về thị trường quốc tế, du khách cho biết mong muốn trở lại Việt Nam, sớm nhất là ngay khi có đường bay thương mại đầu tháng 1. "Cơ hội cho các quốc gia là như nhau hậu Covid 19, thích ứng nhanh, mở cửa trước sẽ gặt hái thành công", ông Hà nói.
Bà Khanh cũng có nhận định khả quan trong năm tới. "Sau hơn một tháng thích ứng với trạng thái bình thường mới, ngành du lịch đã có tín hiệu khởi sắc trở lại. Công ty kỳ vọng giai đoạn 2 thí điểm khách quốc tế, phương thức đón khách mở rộng đường bộ, đường biển sẽ giúp tình hình du lịch sôi động hơn", bà nói.
Covid-19 đã khẳng định gần 100 triệu người dân Việt Nam là thị trường tiềm năng, đặc biệt trong du lịch cao cấp.
Những thách thức lớn mang nhiều bài học kinh nghiệm càng là động lực để các doanh nghiệp du lịch chèo lái, giữ vững "con thuyền". Tất cả trong số họ đều sẵn sàng bật dậy khi Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cho phép hoạt động trở lại trong năm mới. Mục tiêu chung của họ là đồng hành khôi phục ngành du lịch từ chính thế mạnh văn hóa, thiên nhiên đất nước và xa hơn là góp sức nâng tầm vị thế du lịch quốc gia.
Theo Vnexpress
Sưu tầm: Ngô Diệp