Năm Du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung năm 2012 tại thành phố Huế đang được “lên dây cót” để tiếp nối ngay sau khi Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung bộ với chủ đề Biển đảo sẽ chính thức kết thúc vào cuối tháng 12 tới đây.
Và, Năm Du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ là cuộc chơi của bảy tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Thật khó nếu muốn giải bài toán kết nối các địa phương với nhau để tìm cơ hội phát triển du lịch đồng bộ, xuyên suốt trên cơ sở bình đẳng bảy bên cùng có lợi.
Các doanh nghiệp lữ hành hoạt động trên dải duyên hải miền Trung đã có nhiều đề xuất, hiến kế nhằm phát triển du lịch vùng và liên kết du lịch trong giai đoạn mới.
Từ chuyện “nâng cao quan trí"...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn khẳng định, dải đất duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có vị trí đặc biệt trong bản đồ du lịch Việt Nam bởi tài nguyên đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới và sự đa dạng của sinh thái, môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua liên kết du lịch của vùng này vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Mặc dù, nhiều doanh nghiệp lớn ở các tỉnh này thừa nhận rằng với ngành du lịch sự liên kết có ý nghĩa sống còn, nhận thức là thế nhưng họ đều vấp phải vấn đề khó khăn là không tìm được một “nhạc trưởng” để lãnh đạo.
Cũng từng có nhiều hội thảo được tổ chức nhằm kêu gọi sự liên kết giữa các tỉnh nhưng cho đến nay mọi sự cam kết vẫn chỉ dừng ở mức độ… bàn bạc, thảo luận chưa chưa hề có cam kết nào mang tính bền vững, khả thi.
Ghềnh đá đĩa, Phú Yên có tiềm năng lớn phát triển du lịch nhưng công tác quảng bá chưa xứng tầm
- Ảnh: Tuấn Nguyễn
“Doanh nghiệp chúng tôi bây giờ rất lúng túng vì không biết lấy thương hiệu nào để quảng bá, xúc tiến du lịch cho thị trường nước ngoài và trong nước. Bởi vậy, một vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp là làm thế nào để có được thương hiệu đó? Với miền Trung bài toán đặt ra vô cùng khó khăn và có một cách để chúng ta giải quyết vấn đề này chính là bài toán liên kết,” Giám đốc Công Lữ hành Quốc tế Kim Liên Phan Đức Mẫn nói.
Theo ông Mẫn, các tỉnh cần liên kết để hình thành một ban quản lý du lịch miền Trung do một người ở Ban quản lý Du lịch Trung ương phụ trách. Liên kết quảng bá, xúc tiến không nằm ngoài mục tiêu thu hút du khách.
“Để tạo liên kết cũng như có thương hiệu vùng tôi nghĩ ngoài việc đương nhiên phải nâng cao nhận thức dân trí, quan trí thì thiết nghĩ lãnh đạo cấp cao cũng nên có những tư duy phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng trên cơ sở tài nguyên du lịch vùng để làm sao xây dựng được thương hiệu và sản phẩm đặc trưng nhất,” ông Mẫn đề xuất.
Sự thay đổi nhận thức và tư duy ấy đã được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết khi lãnh đạo bảy tỉnh duyên hải miền Trung nói trên đã lần đầu cùng ngồi bàn tròn nhất trí ký kết nhiều nội dung liên quan tới vấn đề liên kết vùng tại Đà Nẵng hồi trung tuần tháng Bảy vừa qua.
... Đến bài học “mở hầu bao” du khách
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Mê Kông Nguyễn Minh Thu đưa ra dẫn chứng sau khi có nhiều cơ hội tiếp xúc với du khách quốc tế: “Khách du lịch quốc tế rất khen ngợi khi đến với Đà Nẵng. Vì Đà Nẵng không chỉ có cảnh quan đẹp mà ứng xử văn hóa du lịch cũng rất lịch sự, từ anh lái taxi đến những người bán hàng…”
Bà Thu cho rằng, nhiều nước trên thế giới rất khôn ngoan khi chọn phát triển du lịch nội địa là chính. Vì các vùng miền có gắn kết với nhau để phát triển thì mới thu được lợi nhuận cao để tái sản xuất, mới có sản phẩm bền vững.
Ví dụ như, người Trung Quốc rất khôn ngoan, khi đoàn khách đi xe 45 chỗ chở khách vào một điểm tham quan, họ cho khách xuống và sẽ đưa đi tiếp bằng “xe môi trường xanh.” Đó là cách thu tiền hai lần rất tế nhị, khéo léo mà khách hàng vẫn cảm thấy thoải mái.
Dẫn chứng của một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đi nhiều và trải nghiệm nhiều này cho thấy người làm du lịch Việt Nam còn khuya mới đạt được trình “mở hầu bao” du khách một cách tinh tế như những người bạn hàng xóm.
“Du lịch là gắn kết, là vui vẻ và là bán sản phẩm tại chỗ,” bà Thu kết luận.
Sóng cát trên đảo Tam Hải, Quảng Nam - Ảnh: ChiLê/Vietnam+
Về liên kết các sản phẩm du lịch, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng (Vitour) Cao Trí Dũng đề xuất: “Nên xây dựng chùm tour duyên hải miền Trung giống như chùm tour di sản miền Trung mà lâu nay vẫn làm. Chùm tour sẽ theo lộ trình đến ở Đà Nẵng rồi kết thúc ở Nha Trang với điều kiện phải có các đường bay nội vùng.”
Hiện đã có đường bay Đà Nẵng-Nha Trang, nếu tăng tần suất lên thêm Huế-Nha Trang, Đà Nẵng-Quy Nhơn, như thế du khách càng có nhiều cơ hội kết nối được với các điểm du lịch trong vùng duyên hải miền Trung.
“Chúng ta cũng phải nghiên cứu xây dựng sản phẩm cụ thể là sản phẩm du lịch homestay làng chài. Ví dụ homestay của thị trường Nhật đến Malaixia hàng năm là 300.000 khách. Nếu có mô hình tốt chắc chắn các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… sẽ đến duyên hải miền Trung rất đông. Đây cũng chính là xây dựng bản sắc địa phương cho vùng,” ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh những đề xuất trên, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị nên chú trọng phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, quảng bá, xúc tiến du lịch đậm nét hơn nữa…
Thêm vào đó, cũng cần tăng cường hơn nữa những ưu đãi và chính sách riêng đối với du lịch, một lĩnh vực mà mới đây thôi còn được coi là ngành vui chơi giải trí đơn thuần thì nay đã vươn mình trở thành ngành kinh tế quan trọng và năng động trong cơ cấu phát triển kinh tế nước nhà./.
Nguồn : Vietnam+