Lễ hội cầu ngư của làng cổ Thai Dương, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã diễn ra ngày 14/2.
Lễ hội cầu ngư bao gồm lễ cầu an, múa hát truyền thống cầu ngư, với các diễn trò trên cạn, dưới nước, đua thuyền... Trước khi lễ cầu ngư diễn ra, vào ngày 13/2 (nhằm ngày 11 tháng Giêng Âm lịch) đã diễn ra các lễ hội như lễ Cung nghinh, lễ Túc yết, thả đèn hoa, múa lân và văn nghệ dân gian.
Trước đó, phong trào thể dục thể thao cũng được được địa phương tổ chức triển khai từ ngày mồng 6 đến mồng 9 như bóng đá, bóng chuyền, kéo co, nhảy bao bố...
Lễ hội cầu ngư của làng cổ Thai Dương là một loại hình văn hóa độc đáo, biểu hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, gắn liền một cách mật thiết, hài hòa với thiên nhiên, đất trời, sông biển và con người, cũng như hướng về cội nguồn, thể hiện hiếu nghĩa với tổ tiên và các thế hệ ông cha đi trước.
Ông Nguyễn Đăng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Thuận An, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội cho biết: Làng văn hóa Thai Dương, thị trấn Thuận An là một trong 19 làng của Tổng Vĩnh Trị, thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, vùng Thuận Hóa, trước đây là làng Thai Dương gắn liền với một sự tích thời đá của người Chămpa.
Đây là một làng cổ, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIV, từ đó đến nay, qua hàng trăm năm, cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, gọi là "Tam niên đáo lệ," làng lại tổ chức lễ hội truyền thống cầu ngư để cầu cho dân bình an, cầu cho biển rộng, sóng yên để ngư dân đi biển đánh bắt được nhiều, đạt kết quả tốt, dân ấm no hạnh phúc và còn để để tỏ lòng nhớ ơn công đức tiền nhân vị khai canh của làng.
Trong lịch sử xây dựng và phát triển, dưới thời Vua Tự Đức, làng đã được ban tặng một bức hoàng phi với bốn chữ vàng "Văn Vật Danh hương" gắn liền đình làng Thao Dương, trấn Hải Đài, miếu Âm Linh, là di tích lịch sử văn hóa và là niềm tự hào của dân làng nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác.../.
Nguồn : TTXVN