Nhằm hưởng ứng Festival Trái cây Việt Nam lần I-2010, các nghệ nhân đến từ khắp nơi trên cả nước đã đem tới nhiều tác phẩm độc đáo. Đặc biệt nhất là 4 tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng được tạo từ hàng chục loại trái cây khác nhau thu hút rất đông người xem.
Tác phẩm “Tứ linh Ngàn năm thương nhớ Thăng Long”
Với tên gọi xác lập kỷ lục là “Tứ linh Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, tác phẩm cao 4m, rộng 10m. Đây là món quà dành tặng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cách đó khoảng hơn 500m, khách tham quan rất bất ngờ bởi sự xuất hiện của một con rồng dài hơn 100m, được dựng lên ngay giữa đường Hùng Vương. Con rồng do hơn 40 họa sĩ graffiti đến từ Huế, TPHCM thực hiện.
Theo các họa sĩ thực hiện thì ý tưởng bức tranh Rồng dựa theo chủ đề Festival “Tiền Giang mở hội - Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt”. Đây cũng là món quà hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ở các chân Rồng có những đám mây sẽ là “đất” dành cho các em thiếu nhi Tiền Giang thi vẽ tranh với chủ đề “Em yêu quê hương”.
Phía trước tác phẩm Rồng graffiti là cổng Rồng cũng được xác lập kỷ lục “cổng Rồng lớn nhất Việt Nam”, kết cấu theo kiểu cổng tam quan với ý nghĩa: Thiên - Địa - Nhân. Cửa lớn chính giữa (cao 7m, ngang 16m) và hai cửa nhỏ 2 bên (cao 4m, ngang 6m).
Con Rồng dài hơn 16m cuốn quanh cổng và đầu Rồng ở vị trí chính giữa cổng hướng về phía trước. Tác phẩm mang ý nghĩa “Sông Tiền hóa Rồng” do 10 nghệ nhân đến từ TP.HCM thực hiện với kích thước cao 7m, ngang 28m.
Nằm trong 4 kỷ lục tại Festival Trái cây lần này, kỷ lục Bản đồ Việt Nam tạo hình từ trái cây cũng được nhiều du khách quan tâm.
Bản đồ được đặt trong Khu triển lãm với kích thước cao 6m, ngang 4m do 10 nghệ nhân đến từ TP.HCM thực hiện trong 5 ngày trước khi Festival diễn ra.
Bản đồ thể hiện hết tất cả diện tích đất liền, vùng biển và các quần đảo của Việt Nam. Nền bảng đồ được làm bằng đậu xanh và ngô. Loại trái cây đặc trưng của miền nào tương ứng với vị trí của miền đó trên bản đồ.
Bản đồ Việt Nam được ghép từ trái cây.
Qua Festival Trái cây lần này có thể thấy khả năng sáng tạo vô bờ của những nghệ nhân thể hiện qua các tác phẩm được tạo hình từ các loại trái cây miệt vườn ĐBSCL. Các nghệ nhân chủ yếu tạo hình các con vật, hình các nhân vật lịch sử ca ngợi truyền thống dựng nước và giữ nước; tạo hình những cảnh quang, di tích lịch sử. Ngoài những hình tĩnh còn có một số tác phẩm tạo hình động với rồng lắc đầu, phụng cất cánh bay, quy bò, lân múa… hết sức sinh động. Một nghệ nhân đến từ thị xã Gò Công (Tiền Giang) bày tỏ: “Chúng tôi tham gia trước hết là để góp một hoạt động cho Festival, sau nữa là nhằm tôn vinh những nghệ nhân tài hoa khi thực hiện các hình ảnh độc đáo hiếm có”.
Nguồn: Dân Trí